Là một trong những loại rau xanh phổ biến, ngon, bổ và rẻ, mồng tơi còn được biết đến như thứ rau vua. Vốn có tính hàn, trong Đông y, mồng tơi không độc, đi vào 5 kinh tâm, tỳ, can, đại tràng, tá tràng, giúp lợi tiểu, tán nhiệt, giải độc, làm đẹp da, trị rôm sảy, mụn nhọt. Đặc biệt, chính chất nhầy pectin có trong mồng tơi có khả năng hấp thụ cholesterol, khóa màng bấm ở thành ruột, cholesterol không ngấm vào máu được mà theo đường đại tiện đi ra ngoài, giúp bạn Giảm cân.
Vậy nên loại rau này có lợi cho những ai mỡ máu, đường huyết cao, hay muốn giảm cân. Bên cạnh đó, rau giúp nhuận tràng, trừ thấp nhiệt... Nước cốt của mồng tơi có tác dụng làm lành các vết thương, đặc biệt là những vết thương do bỏng gây nên.
Đối với mẹ bầu và thai nhi, mồng tơi chứa chất Axit folic ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh bẩm sinh như tật nứt đốt sống. Loại rau này cũng cung cấp sắt, thúc đẩy việc tạo ra các tế bào mới, tăng cường sức khỏe tim mạch và phòng chống ung thư.
Có nhiều Công dụng như vậy nhưng mồng tơi cũng là loại cấm kị cho một số người mắc những bệnh lý sau đây:
Người bị tiêu chảy, đại tiện lỏng
Tính hàn của mồng tơi giúp nhuận tràng nhưng với người đang bị tiêu chảy, đại tiện lỏng không nên ăn bởi nó có thể khiến cho bệnh càng thêm nặng.
Người bị sỏi thận
Các chất bên trong rau mồng tơi bao gồm purin, chất này khi đi vào cơ thể sẽ biến thành axit uric, là nguyên nhân làm tăng nguy cơ phát triển của sỏi thận. Bên cạnh đó, axit oxalic trong rau mồng tơi làm tăng nồng độ canxi oxalate trong nước tiểu, là môi trường thuận lợi để sỏi thận ngày càng phát triển. Như vậy, người bị sỏi thận nên tránh thực phẩm này.
Người bị đau dạ dày
Vẫn biết rằng chất xơ rất cần thiết trong quá trình thúc đẩy tiêu hóa của cơ thể con người thế nhưng hàm lượng chất xơ cao như rau mồng tơi nếu nạp vào quá nhiều một lúc có thể khiến dạ dày khó chịu.
Người mới lấy cao răng
Các món ăn từ rau mồng tơi dễ tạo ra mảng ố bám trên răng nếu như không vệ sinh sạch sẽ, nguyên nhân do các axit oxalic trong rau mồng tơi không hòa tan trong nước. Nếu mới lấy cao răng nên kiêng từ 1- 2 tuần.
Ảnh: Tổng hợp