Ở thời điểm này, một số người đang mơ về việc trở lại bình thường nhờ vắc xin. Thế nhưng, ở các nước nghèo, điều này vẫn còn rất xa vời. Đồng thời, mọi người đang nhìn lại những điều khiến cuộc sống toàn nhân loại thay đổi mạnh mẽ.
Vào ngày 11/3/2020, số ca Covid-19 được xác nhận là 125.000 và số người mất là chưa đến 5.000. Ngày nay, 117 triệu người được xác nhận nhiễm virus và hơn 2,6 triệu người qua đời, theo Johns Hopkins. Ngày ấy, Italy đã đóng cửa tất cả nhà hàng, cửa hàng sau khi đối mặt với 10.000 ca nhiễm. NBA đã đình chỉ mùa giải, Tom Hanks đang quay một bộ phim ở Úc và thông báo anh nhiễm bệnh.
Vào tối hôm đó, Tổng thống Donald Trump đã phát biểu từ phòng Bầu Dục, thông báo những lệnh hạn chế từ châu Âu, gây ra sự hỗn loạn xuyên đại dương. Những ngày sau đó, các sân bay ngập tràn người không đeo khẩu trang. Và rồi chúng nhanh chóng trở nên hoang vắng. Và với phần lớn thế giới, đây mới chỉ là khởi đầu.
Ngày nay, nhờ việc tiêm phòng, Maggie Sedidi, một y tá 59 tuổi tại bệnh viện Chris Hani Baragwanath, Nam Phi lạc quan: "Vào năm sau hoặc có thể là năm sau nữa, tôi thực sự hy vọng mọi người có thể bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường". Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng. Bà nhớ lại bản thân đã bị tàn phá như thế nào khi xuất hiện những ca bệnh đầu tiên vào tháng 3 năm ngoái. Người quản lý của bà khi ấy đã nhiễm virus và qua đời.
Cho đến nay, Nam Phi là quốc gia châu Phi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì đại dịch. Đất nước 60 triệu dân đã có hơn 1,5 triệu ca bệnh và hơn 50.000 người mất mạng.
Tại Mỹ, quốc gia chịu thiệt hại nặng nhất thế giới, 29 triệu người đã nhiễm bệnh và 527.000 sinh mạng mất đi. Latoria Glenn-Carr cùng với vợ mình, Tyeisha được chẩn đoán tại một phòng cấp cứu ở gần nhà, thuộc ngoại ô Detroit vào ngày 29/10. Bất chấp sự lo lắng của Latoria, họ được cho về nhà. Sau đó, Tyeisha đã qua đời trên giường 3 ngày sau đó.
Một tháng sau, mẹ Glenn-Carr cũng ra đi vì căn bệnh này. Giờ đây, Glenn-Carr hối hận. Lẽ ra cô nên đưa Tyeisha đến bệnh viện hoặc chuyển vợ đến một bệnh viện khác. Cô phẫn nộ với các nhà lãnh đạo chính trị của Mỹ, đặc biệt là ông Trump. Cô cho rằng Trump quan tâm đến nền kinh tế hơn là cuộc sống của người dân.
Đại dịch đã lây lan đến nhiều nơi. Ở Nepal, dòng du khách nước ngoài đến Everest đã dừng lại và đây là một thảm họa với những hướng dẫn viên như Pasang Rinzee Sherpa. Anh đã 2 lần leo lên đỉnh Everest và dành 18 năm để giúp những người leo lên đỉnh cao nhất của dãy Himalaya. Sherpa thường kiếm được khoảng 8.000 USD/năm nhưng trong 12 tháng qua, anh không có thu nhập. Anh đã phải cầu xin chủ nhà ở Kathmandu miễn tiền thuê nhà. Anh vay mượn từ bạn bè, cắt giảm chi tiêu, không còn tiền gửi về cho bố mẹ. Hiện tại, chàng trai này sống bằng 2 bữa ăn đơn giản mỗi ngày.
Tại Mozambique, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, người giúp việc Alice Nharre nhớ lại sự tuyệt vọng của những người phải ở nhà do virus. "Mọi người khi đó đang nghĩ 'Chúng ta sẽ ở nhà mà không có sự giúp đỡ từ chính phủ. Làm thế nào để tồn tại?". Chính phủ quốc gia nam châu Phi này cam kết sẽ có khoản trợ cấp 20 USD trong 3 tháng dành cho những người bị đuổi việc. "Điều đó chưa bao giờ xảy ra. Mẹ tôi đã đăng ký nhưng tiền không đến. Chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với nó nữa", Nharre nói.
Trong tuần này, Mozambique đã nhận được gần 700.000 liều vắc xin cho 30 triệu dân từ sáng kiến COVAX. Không rõ khi nào thì số thuốc này sẽ được tiêm. "Có lẽ nó dành cho bác sĩ và những người có chức quyền. những thường dân thấp cổ bé họng như chúng tôi thì tôi không biết", Nharre nhún vai.
(Theo AP)