Trung Quốc đã cử một đô đốc hải quân tới tham dự Đối thoại Shangri-La 2015. Các chuyên gia nhận định ông sẽ ra sức trấn an các nước láng giềng đang có tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông, xoa dịu Mỹ và biện minh về tham vọng của Bắc Kinh.
Đại diện hàng đầu của Trung Quốc tham gia Diễn đàn an ninh cao cấp Shangri-La dự kiến sẽ đưa ra những lời đề nghị thân thiện tới các nước láng giềng châu Á, nhấn mạnh sự sẵn sàng đối thoại và làm dịu bất ổn tại Biển Đông của Bắc Kinh, các nguồn tin thân cận với quân đội nước này tiết lộ.
Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân (PLA) sẽ ngồi trên ghế nóng khi ông trở thành đô đốc đầu tiên của Trung Quốc tham dự Đối thoại thường niên Shangri-La vào ngày mai.
Trong cuộc gặp với Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh bên lề hội nghị, ông Tôn cho biết Trung Quốc và Việt Nam có thể xử lý các tranh chấp thông qua những nỗ lực chung.
Sự xuất hiện của ông Tôn Kiến Quốc tại đối thoại Shangri-La lần này xảy ra khi Trung Quốc đang vướng vào một loạt tranh cãi về chủ quyền tại Biển Đông, đặc biệt là với Mỹ. Vụ việc gần đây nhất diễn ra hôm qua khi Mỹ tố Trung Quốc đưa hệ thống pháo di động tới một hòn đảo mà nước này cải tạo trái phép trên Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng bằ không có thông tin về các loại vũ khí này.
Các quan chức Mỹ cũng đã nhắm vào việc Trung Quốc cải tạo đảo tại khu vực Trường Sa của Việt Nam. Chỉ riêng trong năm nay, Trung Quốc đã nạo vét thêm khoảng 800 ha biến thành 5 tiền đồn, 3/4 trong số đó đã được vật chất hóa trong năm nay.
Tuần trước, một máy bay do thám của Mỹ đã bay qua vùng biển mà Trung Quốc đang xây đảo trái phép. Điều này khiến Bắc Kinh phẫn nộ.
Đô đốc Tôn Kiến Quốc gặp Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore |
Một nguồn tin nói với Reuters: "Phía Trung Quốc cho rằng những tranh cãi ngoại giao hiện nay về vấn đề Biển Đông đã bị truyền thông phương Tây khuấy động, đặc biệt là báo cáo của CNN về việc hải quân Trung Quốc cảnh báo máy bay trinh sát Mỹ khi bay qua một hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng tại khu vực".
Bắc Kinh đã đưa ra sách trắng quốc phòng năm 2015 vào ngày 26/5, trong đó phác thảo kế hoạch chỉ đạo hải quân đi từ "phòng vệ ngoài khơi" cho tới "bảo vệ vùng nước mở" của nước này. Và điều này có thể được ông Tôn Kiến Quốc đề cập trong bài phát biểu ngày mai của mình.
Một nguồn tin khác tiết lộ: "Ông Tôn sẽ nhấn mạnh cả việc "bảo vệ vùng nước mở" cho tới "những hòn đảo nhân tạo tại Biển Đông" theo nhu cầu phát triển quốc gia của Trung Quốc. Nhưng PLA vẫn sẵn sàng cải thiện sự truyền thông với quân đội Mỹ để ngăn những hiểu lầm, điều sẽ làm giảm bớt những lo lắng tại khu vực Đông Nam Á".
Nguồn tin cho biết ông Tôn cũng sẽ cố trấn an khu vực mà Bắc Kinh đã cam kết xây dựng "một cộng đồng chung số phận cho châu Á, gợi lại những đóng góp của Trung Quốc đối với các vấn đề an ninh phi truyền thống như giữ gìn hòa bình, sứ mệnh chống cướp biển và cuộc diễn tập cứu hộ hàng hải với các nước khác".
Bên cạnh Đối thoại Shangri-La ngày mai, Trung Quốc đã chuẩn bị nhiều kế hoạch để xoa dịu quan hệ với Mỹ. Phó Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương Trung Quốc, Phạm Trường Long sẽ thăm Washington vào tháng 6 tới trong khi Phó thủ tướng Trung Quốc, Uông Dương và Ủy viên Hội đồng Nhà nước Dương Khiết Trì cũng sẽ đến thăm Mỹ trong năm nay. Đây như một phần trong kế hoạch xây dựng "quan hệ nước lớn" kiểu mới với Washington của Trung Quốc.
Ông Alexander Neill, một chuyên gia cấp cao về an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Đối thoại Shangri-La cho biết tất cả các nước châu Á đều lo rằng Bắc Kinh và Washington sẽ không thể ngăn được cuộc đối đầu quân sự. Đó sẽ là một "thảm họa cho toàn bộ khu vực.
Nhưng giáo sư Wang Yiwei của ĐH Nhân Dân lại cho rằng Trung Quốc sẽ không để vấn đề Biển Đông làm sứt mẻ mối quan hệ Trung - Mỹ.
Bảo Linh (Theo SCMP)