Trong nước cờ pháp lý trên Biển Đông, Trung Quốc đang lợi dụng dân thường dưới nhiều hình thức với hy vọng sẽ hợp pháp hóa các đảo chiếm đóng trái phép.
Trên những đảo nhỏ ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đang xây dựng 2 ngọn hải đăng và trạm khí tượng để khai khẩn đất đai. Xa hơn về phía bắc, một tàu du lịch của Trung Quốc đưa những du khách "yêu nước" tới một nhóm đảo tranh chấp riêng biệt.
Ít thấy trong cuộc tranh cãi gay gắt về việc sử dụng quân sự tiềm ẩn của Trung Quốc, sự hiện diện của dân thường tại Biển Đông lại đang tăng lên. Đây là xu hướng có khả năng làm phức tạp bất cứ cuộc xung đột vũ trang để củng cố các yêu sách lãnh thổ trong tương lai.
Các chuyên gia cho biết những động thái này sẽ bị giới hạn bởi kích thước nhỏ, những điều kiện được phô bày và thiếu nước ngọt trên hầu hết các đảo tại vùng biển bị bão tàn phá. Nhưng việc tăng cường các tính năng dân sự vẫn sẽ rất quan trọng đối với các bên tranh chấp đối thủ.
Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore nói: "Nó củng cố vị trí pháp lý của họ... bởi vì nó nhấn mạnh sự quản lý hiệu quả, không chỉ quân sự mà còn dân sự".
"Điều đó sẽ quan trọng nếu những tranh chấp này được gửi tới Tòa án Công lý Quốc tế", ông Storey nói thêm, đề cập tới cơ quan tư pháp chính của LHQ, có thể giải quyết tranh chấp lãnh thổ.
Căng thẳng tại quần đảo Trường Sa, đặc biệt là việc xây đảo và tự do hàng hải thông qua vùng biển tranh chấp của Trung Quốc, sẽ là chủ đề thống trị tại diễn đàn an ninh châu Á được tổ chức tại Singapore vào cuối tuần này. Diễn đàn có sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và các quan chức quân sự đến từ châu Á, trong đó có Trung Quốc.
Trung Quốc đã đòi yêu sách với hầu hết vùng Biển Đông và có những hành động phi pháp tại vùng biển này.
Khi Trung Quốc tiếp tục xây dựng đường băng và các cơ sở quân sự khác trên đảo nhân tạo tại Trường Sa, quan chức Bắc Kinh đang nhấn mạnh tính dân sự của việc này.
Tàu du lịch Coconut Princess của Trung Quốc chuyên đưa du khách trái phép ra Biển Đông |
Ouyang Yujing, cục trưởng Cục biên giới và các vấn đề hải dương phát biểu với truyền thông Trung Quốc rằng trong khi Trung Quốc có "mọi quyền" sử dụng đất đai tại Trường Sa cho những mục đích quân sự thì những cơ sở trên đó sẽ mang mục đích "dân sự là chủ yếu".
Ông đã liệt kê ra một loạt mục đích như tìm kiếm cứu nạn, phòng chống thiên tai, nghiên cứu khoa học và quan trắc khí tượng. Trung Quốc đã có một buổi lễ động thổ để xây 2 hải đăng trên những đảo mới mà nước này bồi đắp trái phép, truyền thông nước này đưa tin hôm 26/5.
Trung Quốc đã thúc đẩy đưa dân ra Biển Đông vào năm 2012 khi thành lập 1 thị trấn trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, biến đây trở thành cơ quan đứng đầu chính quyền dân sự tại các đảo và rạn san hô mà Bắc Kinh chiếm đoạt. Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cũng bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1974.
Hiện nay, du khách Trung Quốc đại lục có thể đến Phú Lâm bằng tàu du lịch Coconut Princess từ đảo Hải Nam.
Đại lý du lịch quốc tế Hainan Airways đăng trên website của mình: "Đặt chân vào những khu vườn đẹp nhất của Trung Quốc là một tuyên bố chủ quyền quốc gia của chúng tôi".
Trong khi đó, các du khách quốc tế có thể tới một resort lặn biển nhỏ tại Đá Hoa Lau của Việt Nam, ở phía nam quần đảo Trường Sa.
Wu Shicun, chủ tịch Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia của Trung Quốc cho biết ông đã đến Phú Lâm hồi đầu năm nay và nhận thấy số dân tại đây đã tăng lên vài trăm người, buộc phải xây dựng đường giao thông và các phương tiện gom rác phù hợp.
Ngoài một trường tiểu học và một bệnh viện, gia đình các ngư dân còn có nơi để mua sắm, ông Wu nói với Reuters.
Đảo này rất khác với đảo Thị Tứ của Việt Nam, đang bị Philippines chiếm đóng.
Tại Thị Tứ có 135 binh sĩ và dân thường. Họ sống tại đây, cùng chia sẻ một vườn rau và một phòng khám trong khi trẻ nhỏ đi học tại một ngôi trường cơ bản.
Cô Rovelyn Jogo, 22 tuổi, cùng chồng và con trai 1 tuổi chuyển tới hòn đảo này. "Tất cả mọi thứ là miễn phí, vì thế chúng tôi có thể tiết kiệm", cô nói với Reuters.
Theo Công ước LHQ về luật biển, khả năng duy trì dân thường và hoạt động kinh tế trên 1 hòn đảo là rất quan trọng đối với việc xác định liệu nó có thể đòi yêu sách cách vùng độc quyền kinh tế (EEZ) 200 dặm hay không, các luật sư quốc tế cho biết.
Nhưng những bãi đá trên vẫn không được coi là hợp pháp.
Clive Schofield, một chuyên gia pháp lý của Australia cho biết việc đưa người dân đến một vùng đất cải tạo không đủ để trở thành EEZ.
"Đặc tính pháp lý đặc trưng sẽ không thay đổi cho dù số dân có lớn như thế nào hay hoạt động kinh tế có diễn ra ở đó", ông nói.
Người dân tại những đảo này luôn sẵn sàng rời đi bất cứ lúc nào.
Bảo Linh ( tin tức Reuters)