Trước đó, Moscow và Kiev đã tổ chức 3 vòng đàm phán trực tiếp và tiếp xúc thêm thông qua video nhưng các cuộc trao đổi đã không đạt được bất cứ kết quả rõ ràng nào. Phát biểu mở màn cho cuộc đàm phán lần này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói: "Chúng tôi hy vọng các cuộc gặp gỡ sẽ có lợi cho cả 2 nước và khu vực vì Thổ Nhĩ Kỳ vô cùng lo lắng về xung đột". Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng hội nghị thượng đỉnh sẽ mở đường cho các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.
Từ những bức ảnh truyền thông đăng tải, cuộc đàm phán Nga - Ukraine lần này đã có sự chuyển biến đặc biệt. Tại các vòng đàm phán trước, phái đoàn Nga mặc vest chỉnh tề thì phía Ukraine lại mặc kiểu quân sự. Lần này, trang phục của phái đoàn Ukraine đã thay đổi rõ rệt, lịch sự hơn.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba ngày hôm qua cho biết Kiev mong đợi "những vấn đề nhân đạo" sẽ được giải quyết trong cuộc đàm phán, đồng thời nói thêm rằng "chương trình tối đa là đạt được thỏa thuận về một lệnh ngừng bắn".
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã chủ trì một cuộc đàm phán giữa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Kuleba tại Antalya vào ngày 10/3. Các bên đã không đạt được tiến bộ đáng kể trong việc giải quyết xung đột trong các vòng đàm phán trước đó. Tuy nhiên, họ đã đồng ý thiết lập các tuyến đường sơ tán dân thường khỏi những thành phố bị bao vây, bao gồm Mariupol, một cảng ở Biển Azov bị quân đội Nga bao vây hoàn toàn và Donbass.
Danh sách yêu cầu của Moscow đối với Kiev bao gồm việc công nhận Crimea là một phần của Nga, các nước cộng hòa Donbass ly khai như Donetsk và Lugansk là các quốc gia độc lập. Các nước cộng hòa ly khai khỏi Ukraine ngay sau cuộc đảo chính năm 2014 ở Kiev. Crimea đã bỏ phiếu rời Ukraine và gia nhập Nga vào cùng năm.
Nga cũng cho biết họ đang tìm cách "phi quân sự hóa" và "phi hạt nhân hóa " Ukraine. Moscow muốn Ukraine chính thức tuyên bố mình là một quốc gia trung lập, vĩnh viễn từ bỏ ý định gia nhập NATO. Các quan chức Ukraine cho biết họ sẵn sàng thảo luận về tính trung lập của đất nước mình, nhưng yêu cầu sự đảm bảo an ninh từ phương Tây và Nga.
Moscow đã phát động một chiến dịch quân sự chống lại Ukraine sau 7 năm bế tắc do Kiev không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn Minsk. Kiev nói rằng cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ tuyên bố họ đang có kế hoạch chiếm lại hai nước cộng hòa bằng vũ lực.
(Theo RT)
>> Xem thêm: Tổng thống Ukraine trách EU trừng phạt Nga 'hơi muộn'