Sau khi tuyên bố Chính sách xoay trục sang Trung Quốc tại Bắc Kinh hồi tuần trước, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tới thăm một trong những nước đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại châu Á - Nhật Bản - vào ngày hôm nay, 25/10.
Chuyến thăm Nhật Bản diễn ra vài ngày sau khi ông Duterte tuyên bố "chia tay" Mỹ và mang về nhà cam kết đầu tư trị giá 24 tỷ USD từ Trung Quốc. Trong khi lãnh đạo Philippines đã làm rõ ý của mình là không cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Mỹ nhưng những bình luận của ông cũng đã khiến Washington bối rối và gây ra quan ngại cho các đồng minh của Mỹ trong khu vực.
Tổng thống Philippines Duterte tại Bắc Kinh. Ảnh: Getty |
Trả lời các nhà báo tại Manila hôm 24/10, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel nói rằng những bình luận chống Mỹ của ông Duterte đã "gây tổn thương, nhầm lẫn và đau buồn". Nhưng vào cuối ngày hôm ấy, ông nói "điều quan trọng là những gì ông Duterte quyết định làm".
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người đã đẩy mạnh quan hệ với Mỹ để chống Trung Quốc, đã tìm cách củng cố khả năng phòng thủ của Philippines bằng cách cho nước này vay hơn 300 triệu USD để đầu tư cho tàu tuần tra. Ông ấy có thể sẽ nhân cuộc gặp lần này để hàn gắn những rào cản giữa 2 nước. Cho đến nay, Nhật Bản và Philipines vẫn có chung mục tiêu là kiểm chế sự hung hăng của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp.
"Đây là cơ hội vàng để chính phủ Nhật Bản thuyết phục tổng thống Philippines rằng tiếp tục làm thế này sẽ có hại cho ông ấy", Kunihiko Miyake, từng là một nhà ngoại giao Nhật Bản và hiện đang là giáo sư thỉnh giảng tại ĐH Ritsumeikan cho biết. Ông Mikaye nói thêm: "Ông ấy sẽ không lắng nghe người Mỹ, nhưng ông ấy có thể lắng nghe người Nhật".
"Đối tác chiến lược"
Trước chuyến thăm, việc liên lạc giữa 2 bên xuất hiện khó khăn. Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 24/10 cho biết họ không thể xác nhận thông tin chi tiết của hầu hết các sự kiện diễn ra trong chuyến thăm của ông Duterte, cũng không biết liệu có những bộ trưởng hay giám đốc doanh nghiệp nào tháp tùng ông ấy.
Lịch trình mà chính phủ Philippines cung cấp cho các phóng viên cho biết ông Duterte sẽ có cuộc gặp riêng với ông Abe vào ngày 26/10 trước khi 2 nhà lãnh đạo ăn tối với nhau. Tổng thống Philippines cũng sẽ phát biểu tại một diễn đàn kinh tế và tới thăm Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko trước khi rời khỏi đây ngày 27/10.
"Chúng tôi muốn bàn bạc để phát triển quan hệ đối tác chiến lược, thậm chí còn xa hơn nữa trong cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo", Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói với các phóng viên tại Tokyo hôm 24/10.
Sâu sắc và đặc biệt
Ông Duterte nhắc lại những tình cảm trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Nhật Bản trước khi ông bắt đầu chuyến thăm này, nói rằng quan hệ với Nhật Bản là sâu sắc và đặc biệt. Ông nói thêm rằng liên min hquaan sự giữa Philippines và Mỹ sẽ vẫn tồn tại và ông không có kế hoạch phát triển quan hệ quốc phòng với Trung Quốc, tờ Nikkei của Nhật đưa tin.
Những bình luận này đánh dấu sự thay đổi trong giọng điệu so với thời gian ông Duterte ở Bắc Kinh. Tại Trung Quốc, ông Duterte đã công khai chỉ trích "sự can thiệp của Mỹ" và nói với đám đông người Philippines bên dưới rằng "chính sách đối ngoại hiện nay đang xoay chiều sang" Trung Quốc.
Ông Abe sẽ cung cấp khoản vay 5 tỷ yen để phát triển nông nghiệp tại đảo Mindanao, quê hương ông Duterte, nhân chuyến thăm này, theo tin từ hãng Kyodo. Trong khi đó, ông Duterte sẽ không nhận được những vinh dự như dùng quốc yến, phát biểu trước quốc hội giống như người tiền nhiệm Benigno Aquino được hưởng hồi năm ngoái.
Tranh chấp trên biển
Sau khi trở về từ Bắc Kinh sáng sớm ngày 22/10, ông Duterte nói với các phóng viên rằng những cuộc đàm phán của ông với Thủ tướng Abe sẽ liên quan tới kinh tế và Biển Đông. Nhà lãnh đạo Philippines nói rằng giải pháp cho vùng lãnh thổ tranh chấp có thể là đàm phán song phương với Trung Quốc hoặc đa phương với các nước, trong đó có cả Nhật Bản, mặc dù Tokyo không có yêu sách tại vùng biển này. Nhật Bản có tranh chấp riêng với Trung Quốc tại quần đảo thuộc biển Hoa Đông.
"Ý tôi sẽ nói với bộ trưởng của các bạn là chúng ta chỉ có thể đồng ý đàm phán hòa bình, giải quyết tranh chấp và có thể đạt được điều gì đó tốt cho tất cả các bên", ông Duterte nói với phóng viên đài NHK của Nhật Bản khi được hỏi về cuộc đàm phán giữa Philippines với Trung Quốc về Biển Đông.
Nhật Bản ủng hộ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế đối với vụ kiện chống Trung Quốc tại Biển Đông hồi tháng 7 của Philippines. Tháng trước, ông Abe và ông Duterte đã đồng ý chuyển máy bay tuần tra của Nhật Bản và một khoản vay để mua 2 tàu hải cảnh cỡ lớn cho Philippines.
Ngay cả khi ông Duterte bác bỏ cuộc tập trận chung với Mỹ tại Biển Đông vì sợ làm mất lòng Trung Quốc, việc viện trợ cho hoạt động bảo vệ bờ biển của Nhật Bản có thể chứng minh được sự cần thiết trong thời gian dài, ông Yuki Tatsumi, chuyên viên cao cấp của chương trình Đông Á, Trung tâm Stimson tại Washington cho biết.
Bảo Linh (Bloomberg)