Tin mới

Hồ sơ Panama: Những "bí mật động trời" còn ở phía sau

Thứ tư, 06/04/2016, 11:16 (GMT+7)

Biên tập viên cấp cao của ICIJ – tổ chức phanh phui Hồ sơ Panama – nói vụ bê bối này “mới chỉ là sự khởi đầu, chưa kết thúc". Sẽ còn nhiều bí mật động trời trong tài liệu này được công bố trong thời gian tới.

Biên tập viên cấp cao của ICIJ – tổ chức phanh phui Hồ sơ Panama – nói vụ bê bối này “mới chỉ là sự khởi đầu, chưa kết thúc". Sẽ còn nhiều bí mật động trời trong tài liệu này được công bố trong thời gian tới.

Theo một biên tập viên chính của tổ chức tin tức phi lợi nhuận - hiện đang giúp phân tích các dữ liệu bị rò rỉ - sẽ còn có thêm nhiều bí mật động trời được khám phá ra trong Hồ sơ Panama. Trong đó sẽ có cả những giao dịch của hàng trăm người Mỹ.

Việc công bố 11,5 triệu tài liệu mật của công ty luật Mossack Fonseca có trụ sở tại Panama đã gây ra chấn động trên toàn thế giới. Điều này dẫn tới việc Thủ tướng Iceland và người đứng đầu tổ chức giám sát tham nhũng toàn cầu - Tổ chức Minh bạch Quốc tế - chi nhánh Chile buộc phải từ chức ngày 5/4.

Michael Hudson, biên tập viên cấp cao của ICIJ (Hiệp hội Ký giả Quốc tế chuyên về điều tra) - tổ chức công bố tài liệu này - cho biết hệ lụy từ cuộc điều tra kéo dài nhiều năm ròng này sẽ còn tiến xa hơn bây giờ. "Chúng tôi thấy nhiều điều sắp xảy ra", ông Hudson nói với tờ TIME. "Chúng tôi đã nghiên cứu cật lực, làm việc cật lực và đã tìm thấy những gì mà chúng tôi tin là thông tin quan trọng. Nhưng chúng tôi sẽ còn tiếp tục. Đây mới chỉ bắt đầu, chưa phải kết thúc".

Ít nhất 200 người Mỹ - có liên quan tới các công ty nước ngoài được phát hiện ra trong hồ sơ - một số bị kết án vì phạm tội tài chính nghiêm trọng, ông Hudson cho biết.

Hudson, 54 tuổi, là một biên tập viên tại New York. Ông làm việc cho ICIJ được hơn 4 năm và tham gia kế hoạch này sau 6 tháng khởi động. Ông nói rằng những thông tin sẽ được phanh phui khi mà hàng trăm nhà báo trên khắp thế giới tiếp tục nghiên cứu hồ sơ này. "Chúng tôi vẫn đang tìm kiếm, vẫn đang đào bới", Hudson cho biết.

Hồ sơ Panama bao gồm 11,5 triệu tài liệu mật của công ty luật Mossack Fonseca tại Panama. Ảnh: TIME

Tới nay, ICIJ vẫn chưa tìm thấy bất cứ cính trị gia Mỹ nào được nhắc tới trong hồ sơ. Nhưng hàng chục lãnh đạo cũ và đương nhiệm của thế giới, trong đó có Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và đức vua Salman của Saudi Arabia cùng với một số đồng minh thân cận và các thành viên trong gia đình họ có liên quan tới hồ sơ này. "Đây không chỉ là một vài cái tên, một vài cá nhân mà đó là một hệ thống. Nó nói về việc quyền lực và của cải được sử dụng trong hệ thống ở nước ngoài như thế nào", Hudson nói.

ICIJ - một tổ chức báo chí phi lợi nhuận tại Washington D.C - bắt đầu xử lý đống tài liệu khổng lồ này khoảng 1 năm trước sau khi tờ Suddeutsche Zeitung của Đức nhận được hồ sơ này. Nguồn tin là một người nặc danh, tuyên bố đã tiếp cận với những thông tin từ công ty Mossack Fonseca, trong đó có những tài khoản liên quan tới hàng chục chính trị gia nổi tiếng châu Âu. Tờ báo sau đó đã tìm đến ICIJ. "Có nhiều câu chuyện quá phức tạp, quá lớn, quá khó để một nhà báo điều tra đơn độc. Họ tìm đến các đối tác", theo ông Hudson.

Ông Hudon không xác định nguồn tin nhưng cho biết người này không muốn bất cứ đồng tiền nào bị rò rỉ.

"Nguồn tin tin rằng những điều sai trái đã diễn ra và thông tin này cần bị phanh phui. Người này đã lo lắng về hiểm nguy, sợ bị trừng phạt để trả thù".

Nhóm nghiên cứu gồm hàng chục nhân viên đã nhanh chóng biết được tầm quan trọng của nội dung hồ sơ. Nó đã làm sáng tỏ về một nền kinh tế ngầm, nơi mà những người có quyền lực đang giấu tiền ở khắp nơi trên thế giới. "Trong vài tháng đầu tiên, mọi người thực sự nhận thức được là có rất nhiều thông tin thực sự rất quan trọng. Khối lượng dữ liệu khổng lồ, thực tế là chúng tôi có các nhà lãnh đạo thế giới trong dữ liệu này - rõ ràng là rất quan trọng", ông Hudson nhớ lại.

ICIJ sau đó đã tranh thủ được sự giúp đỡ của hơn 370 nhà báo đến từ hơn 70 quốc gia và hơn 100 tổ chức báo chí để khai thác dữ liệu này. Họ đã sử dụng một mật khẩu đôi để bảo vệ và mã hóa trang web chia sẻ tài liệu cũng như thảo luận về các phát hiện. "Nó giống như một loại Facebook dành riêng cho các nhà báo. Nó trở thành một tổ ong đáng kinh ngạc dành cho những người làm việc chung với nhau", ông Hudson nói.

Họ nhất chí công bố những gì tìm ra vào ngày 3/4 mặc dù vẫn còn những dữ liệu cần phải xem lại. "Chúng tôi cảm thấy đã sẵn sàng. Thời cơ đã đến".

Tác động của Hồ sơ Panama đã được nhìn thấy ngay lập tức. Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson lên kế hoạch từ chức trong bối cảnh xảy ra tranh luận dữ dội về khối tài sản ở nước ngoài của ông. Chủ tịch Tổ chức Minh bạch Quốc tế chi nhánh Chile Gonzalo Delaveau cũng đã rời nhiệm sở.

Vụ bê bối đã thôi thúc sự phản đối toàn cầu với vấn đề minh bạch, trong đó có cả những lời kêu gọi cải cách thuế quốc tế của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tờ Wall Street Journal đưa tin Bộ Tư pháp Mỹ cho biết họ đang xem xét các tài liệu này để xem liệu đây có phải là bằng chứng tham nhũng có thể mang ra truy tố tại Mỹ hay không.

ICIJ thường xuyên nhấn mạnh Hồ sơ Panama không có bằng chứng cho thấy một số nhân vật tầm cỡ, được nhắc đến, sử dụng các công ty ở nước ngoài với mục đích phi pháp. Tuy nhiên, hồ sơ này cung cấp cái nhìn sâu sắc về hệ thống bí mật, được sử dụng như những thiên đường thuế để che giấu hoạt động rửa tiền và tham nhũng.

Bảo Linh (TIME)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news