Tại Hàn Quốc, hướng dẫn viên du lịch chui người Trung Quốc cũng mạnh miệng tuyên bố nước này là chư hầu của Bắc Kinh. Mọi phụ nữ đẹp tại Hàn đều bị cống nạp sang Trung Quốc từ thời nhà Thanh.
Hướng dẫn viên chui người Trung Quốc còn đang “tung hoành” ở nhiều quốc gia châu Á khác trong đó có Thái Lan và Hàn Quốc.
Số lượng du khách Trung Quốc gia tăng đi kèm với sự bùng nổ của các hướng dẫn viên du lịch chui người Trung. Ảnh: Kyodo |
Tại Thái Lan, vấn đề người nước ngoài hoạt động du lịch bất hợp pháp vẫn tồn tại tại những tỉnh du lịch lớn như Chon Buri và Phuket.
Trang nationmultimedia vào tháng 7/2015 đã đăng tải một bài viết về tình trạng hướng dẫn viên du lịch chui tại nước này. Theo đó, có tới 70% hướng dẫn viên bất hợp pháp là người Trung Quốc và một số nước khác đang hoạt động tại đây mặc dù nghề hướng dẫn viên du lịch nằm trong số 39 ngành nghề được luật pháp Thái Lan bảo vệ.
Ông Paisal Seuthanuwong, người đứng đầu nhóm Hướng dẫn United Thai Guides tại Chon Buri cho biết một số hướng dẫn viên Trung Quốc đã hình thành mạng lưới kinh doanh để chia sẻ lợi ích với các cơ sở du lịch nước ngoài nhằm khai thác những danh thắng cũng như các nguồn lực tại Thái Lan.
Tại Phuket, các hướng dẫn viên Thái cũng đã yêu cầu Phòng đăng ký Hướng dẫn và Du lịch (TGRO) điều tra một số công ty lữ hành và hướng dẫn viên bị cáo buộc để cho du khách gây tổn hại đến tài nguyên thiên nhiên, làm ảnh hưởng tới hình ảnh của đất nước Thái Lan.
Có nhiều hướng dẫn viên Thái đã cáo buộc những hướng dẫn viên nước ngoài hoạt động bất hợp pháp đã truyền bá thông tin sai lạc về văn hóa và truyền thống của Thái Lan cho du khách.
Bộ Du lịch Thái Lan đã ban hành quy định, yêu cầu các công ty lữ hành nộp hồ sơ của các hướng dẫn viên lên Trung tâm TGRO và các chi nhánh của cơ quan này.
Các quan chức bộ này cùng với Cảnh sát Du lịch Thái Lan đã tiến hành kiểm tra thông tin của các hướng dẫn viên nước ngoài ở những sân bay lớn như Suvarnabhumi, Don Mueang, Phuket, Chiang Mai, Chiang Rai, Hat Yai và U-Tapao
Các công ty lữ hành cũng buộc phải cung cấp một hướng dẫn quy định pháp luật của Thái Lan cho các nhóm du lịch trong suốt thời gian họ ở đây. Nghĩa là họ cũng phải cung cấp cho TGRO danh sách các hướng dẫn viên của công ty cũng như bất cứ nhân viên nhập cư nào cho Cục Việc làm.
Về trung hạn, Thái Lan sẽ thành lập một ủy ban điểm kiểm soát chất lượng, kiểm tra kỹ năng ngoại ngữ của các hướng dẫn viên. Các công ty lữ hành buộc phải chịu sự giám sát của quan chức nhà nước khi họ dẫn khách.
Về dài hạn, Thái Lan sẽ cập nhật các điều luận để xử lý vấn đề hướng dẫn viên hoạt động chui này.
Ông Piyapong Ensan, thanh tra du lịch tại Pattaya cho biết họ đã bắt giữ những hướng dẫn viên nước ngoài hoạt động bất hợp pháp và kiểm tra hồ sơ của họ. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải có bằng chứng rõ ràng. Ông cho biết hầu hết những người bị bắt là hướng dẫn viên Trung Quốc.
Ông Sinchai Wattanasatsatorn, chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh và Du lịch Pattya cho biết các công ty lữ hành đưa khách tới Thái Lan có thể lợi dụng lỗ hổng để đưa hướng dẫn viên chui vào hoạt động nhằm thu lợi.
Những hướng dẫn viên du lịch chui tại Thái Lan nếu bị phát hiện sẽ bị phạt tiền và bỏ tù.
Tờ báo đưa tin có 6 người đàn ông Trung Quốc đã từng bị bắt giữ tại huyện Dusit do hoạt động hướng dẫn du lịch trái phép hồi năm ngoái. Họ phải đối mặt với mức án 1 năm tù và bị phạt 100.000 bath.
Ông Athipong Saengsilpa, người điều hành TGRO cho biết Sở du Lịch đã nhận được nhiều khiếu nại về hướng dẫn viên du lịch chui. Những người này làm tổn hại đến hình ảnh đất nước Thái bằng cách cung cấp thông tin sai lạc, ép du khách mua và sử dụng những dịch vụ đắt đỏ.
Một đất nước nữa chịu ảnh hưởng từ hướng dẫn viên chui người Trung Quốc phải kể đến Hàn Quốc. Năm 2014, Doanh thu từ du lịch của Hàn Quốc đạt mức kỷ lục (18,1 tỷ USD), chủ yếu nhờ vào sự gia tăng số lượng du khách Trung Quốc.
Tờ The Diplomat dẫn số liệu từ Sở du lịch Hàn Quốc, số lượng du khách Trung Quốc vào năm 2014 đã tăng vọt (tăng 41,6% so với 2013). Mỗi du khách Trung Quốc trung bình chi 2.300 USD/chuyến thăm. So với du khách Nhật mỗi người trung bình chỉ chi khoảng 990 USD. Thế mới thấy tầm quan trọng của khách du lịch Trung Quốc đối với du lịch Hàn Quốc.
Nhưng điều đáng nói là số lượng du khách tăng kèm theo số lượng hướng dẫn viên là người Trung Quốc cũng tăng lên. Theo số liệu khảo sát của Hiệp hội các Đại lý du lịch Hàn Quốc, những hướng dẫn viên dẫn viên mang hộ chiếu Trung Quốc thường cung cấp thông tin sai về văn hóa và lịch sử Hàn Quốc.
75% số hướng dẫn viên du lịch đến từ 30 đại lý du lịch có nhiều khách Trung Quốc đều là người có hộ chiếu Trung Quốc. Con số này đã tăng lên 84% khi tính cả những người có hộ chiếu Greater China (tính cả Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Đài Loan và Ma Cao).
Hiệp hội các Đại lý Du lịch Hàn Quốc ghi nhận có 104 trường hợp khách du lịch Trung Quốc đã bị những hướng dẫn viên này lừa. Hầu hết các trường hợp đều là hướng dẫn viên nói xấu Hàn Quốc. Ví dụ như họ nói Hàn Quốc là nước chưa hầu của Trung Quốc. Các trường hợp cung cấp thông tin sai lệch về Hàn Quốc, kể những câu chuyện bịa đặt về nguồn gốc Hangul, bảng chữ cái của Hàn Quốc.
Có trường hợp một hướng dẫn viên Trung Quốc còn nói rằng chẳng có người phụ nữ Hàn Quốc nào xinh đẹp bởi phụ nữ đẹp ở đây đã phải cống hết cho Trung Quốc từ thời nhà Thanh. Theo người này, tất cả phụ nữ đẹp tại Hàn Quốc thời nay đều do Phẫu thuật thẩm mỹ. Có trường hợp các du khách Trung Quốc còn được hướng dẫn viên dạy rằng cung điện Gyeongbokgung của Hàn Quốc được thiết kế để đảm bảo rằng những chưa hầu của Hàn Quốc sẽ không thể ngẩng cao đầu khi phái viên Trung Quốc đi qua.
Hiệp hội này cho biết chính ngôn ngữ là lý do khiến có ít hướng dẫn viên bản địa hướng dẫn cho khách Trung Quốc. Các đại lý du lịch chuyên dẫn khách Trung Quốc nói rằng họ bị phàn nàn nhiều khi cử hướng dẫn viên Hàn Quốc dẫn đoàn vì vấn đề ngôn ngữ.
Tính đến năm 2013, đã có khoảng 6.450 hướng dẫn viên nói tiêng Trung hoạt động tại Hàn Quốc. Nhưng người ta ước tính 50% hướng dẫn viên phục vụ khách Trung Quốc là trái phép, do đó, họ có hteer cung cấp những thông tin sai lệch. Cảnh sát du lịch Seoul đã bắt giữ khoảng 360 trường hợp hướng dẫn viên chui hồi năm 2014 và số lượng này còn tăng lên.
Đối mặt với tình hình này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc đã ban hành một hướng dẫn vào tháng 10/2014 nhằm xóa bỏ những hướng dẫn viên hoạt động trái luật. Theo hướng dẫn này, bộ sẽ tăng cường giám sát hướng dẫn viên du lịch và sẽ tăng cường giáo dục để các hướng dẫn viên hiểu về văn hóa, lịch sử Hàn Quốc.
Số lượng hướng dẫn viên trái phép tại Nhật Bản, đặc biệt là hướng dẫn viên Trung Quốc ngày càng gia tăng. Cơ quan Du lịch nước này đã nhận được nhiều khiếu nại từ khách du lịch, nhiều nhất là người Trung Quốc, về việc họ bị các hướng dẫn viên dẫn dắt mua hàng đắt tiền. Những hướng dẫn viên này sẽ bị phạt theo luật nhập cư của Nhật. Thường thì họ sẽ bị phạt tiền và bị trục xuất do làm việc không phép.
Khách du lịch Trung Quốc đến Khánh Hòa, Việt Nam ngày một đông. Ảnh: Tri thức trực tuyến |
Nhiều quốc gia khác cũng rất “đau đầu” trước tình trạng hướng dẫn viên du lịch chui. Tại Singapore, số lượng hướng dẫn viên du lịch chui cũng một gia tăng. Ủy ban Du lịch Singapore (STB) đã thực hiện nhiều biện pháp để trấn áp hiện tượng này. Theo luật Singaore, những hướng dẫn viên du lịch không giấy phép hoạt động sẽ phải đối mặt với mức tiền phạt là 5.000 USD (hơn 100 triệu đồng). Nhưng cho đến năm 2013, thời điểm bài báo này được đăng tải trên tờ Straitimes, vẫn chưa có một đồng tiền phạt nào được thu về.
Tại sao lại như vậy? Bởi khi bị nhà chức trách sờ gáy, những hướng dẫn viên này sẽ nói rằng họ là khách du lịch, họ chỉ đang cung cấp thông tin cho bạn bè mình.
Hoạt động hướng dẫn không giấy phép tại Singapore cũng không thể bị bắt hay bị phạt tại chỗ. Nhiều người đã rời khỏi nước này trước khi cuộc điều tra hoàn thành.
STB thừa nhận họ đã nhận được 122 khiếu nại về hướng dẫn viên không phép hồi năm 2012 nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát hiện người phạm tội. Họ cũng không đủ quyền hạn để thực thi các nguyên tắc.
Mỗi nhóm khách du lịch nước ngoài khi tới Singapore đều có hướng dẫn viên nước đó hộ tống. Nhưng các đại lý du lịch phải thuê một hướng dẫn viên có giấy phép tại Singapore trong hành trình của họ. Một hướng dẫn viên có phép có giá lên đến 80 USD/giờ. Để tiết kiệm tiền, nhiều đại lý du lịch đã không thuê hướng dẫn viên địa phương.
Để đối phó với tình trạng này, chính phủ Singapore đã có nhiều biện pháp tích cực như thắt chặt các quy định, tăng quyền hạn cho STB, tăng mức phạt cho những hướng dẫn viên chui, những đại lý không thuê hướng dẫn viên địa phương.
Tại Myanmar, tình trạng hướng dẫn viên du lịch chui cũng ngày một gia tăng khi du khách quốc tế biết đến đất nước này nhiều hơn. Theo luật của Myanmar, những hướng dẫn viên không giấy phép có thể bị tù 3 năm hoặc phải chịu mức phạt lên đến 50.000 Kyat (gần 1 triệu đồng).
Nói về hoạt động hướng dẫn tại nước ngoài, anh Vũ Quyết, hướng dẫn viên tại Công ty du lịch Transviet, đại đa số các nước đều sử dụng hướng dẫn viên bản địa có thẻ hành nghề đi cùng đoàn. “Tại các cung điện, bào tàng chính, bắt buộc phải có hướng dẫn viên bản địa thuyết trình”, anh Quyết nói.
Về chuyện hướng dẫn viên cung cấp thông tin sai lệch cho khách, anh Quyết chia sẻ: “Kiến thức của khách du lịch bây giờ khá ổn nên hướng dẫn viên khó lòng mà nói “linh tinh” cho họ được. Còn với những trường hợp hướng dẫn viên nước ngoài nói sai (như trường hợp ở Đà Nẵng vừa qua) thì tại những nước có thanh tra du lịch như Thái Lan, Singapore, họ sẽ bị bắt”.
Sau khi phát hiện hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc xuyên tạc lịch sử Việt Nam, Tổng cục Du lịch đã chính thức có công văn về việc tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch.
Tổng cục Du lịch yêu cầu Sở Du lịch, Sở VH-TT&DL các tỉnh/thành tăng cường công tác quản lý trong lĩnh vực này. Tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh lữ hành và hoạt động hướng dẫn du lịch.
Tổng cục Du lịch cũng yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực du lịch của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này.[mecloud]eGd0Pb8skL[/mecloud]
Bảo Linh