Những ngày gần đây, hacker Nhâm Hoàng Khang trở thành cái tên được nhắc đến nhiều trên MXH. Với biệt danh "Cậu IT", Khang chính là người công bố đoạn hội thoại liên quan đến vụ ồn ào của nghệ sĩ Hoài Linh, NSND Hồng Vân, Đàm Vĩnh Hưng, nghệ sĩ Đức Hải, Phi Nhung, Hồ Văn Cường… khiến dư luận không khỏi xôn xao.
Chính "cậu IT" đã còn khui ra sự việc Danh hài Hoài Linh chưa trao 14 tỉ đồng tiền Từ thiện cứu trợ miền Trung khiến sự nghiệp của nam nghệ sĩ lao đao.
Theo đó, Nhâm Hoàng Khang đã chủ động xâm nhập thông tin tài khoản cá nhân của danh hài này. Qua đó, Nhâm Hoàng Khang phát hiện ra sự việc liên quan đến 14 tỉ đồng tiền từ thiện và những cuộc nói chuyện quan trọng giữa một số nghệ sĩ trong showbiz Việt.
Cũng theo chia sẻ của Nhâm Hoàng Khang, anh nói rằng đây là lần đầu tiên anh tự ý xâm nhập tài khoản của Hoài Linh và một số nghệ sĩ khác chỉ vì ghét sự lừa dối.
Bản thân nam IT cũng cho biết anh ý thức được về hành vi của mình và sẵn sàng chịu phạt bất kì lúc nào mà không cần ai đứng ra bênh vực mình.
Ngoài nghệ sĩ Hoài Linh, Nhâm Hoàng Khang cũng tiết lộ đã tìm ra người nhắn tin, tống tiền nghệ sĩ Đức Hải. Cụ thể, người này đã thuê dịch vụ spam tin nhắn từ chính đàn em của Khang.
Theo đó, Khang cho hay đàn em tên H. tiết lộ một khách hàng có tên Hoa H. đã thuê dịch vụ spam tin nhắn tống tiền nghệ sĩ Đức Hải và nội dung tống tiền sẽ "đổ thừa" là nam IT làm.
Sau đó, nam hacker Nhâm Hoàng Khang một lần nữa khiến dư luận xôn xao khi đăng tải bài viết tiết lộ về con người thật của Phi Nhung đồng thời đứng lên kêu cứu tìm lại công bằng cho Hồ Văn Cường.
Mặc dù được dư luận đồng tình việc vạch trần sự lừa dối trong showbiz, tuy nhiên nhiều người cho rằng đây là hành vi sử dụng thủ thuật để truy cập vào tài khoản trang cá nhân của người khác và phát tán thông tin, xâm phạm quyền bí mật đời tư của người khác.
Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho rằng, quyền bí mật đời tư, bảo vệ quyền bí mật đời tư, thư tín, điện thoại, điện tín,… là một trong những quyền cơ bản của con người được quy định tại Hiến pháp, Bộ luật dân sự và các văn bản khác có liên quan trong Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định.
Dù với bất kỳ mục đích, động cơ nào thì hành vì cố tình xâm nhập trái phép vào tài khoản cá nhân của người khác trên không gian mạng là hành vi vi phạm pháp luật, bị nghiêm cấm. Chính vì thế, hành vi của hacker vi phạm vào Điều 8, Luật An ninh mạng 2018.
Quy định nêu rõ, hành vi truy cập trái phép vào Facebook của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Luật sư Cường cho rằng, Nhâm Hoàng Khang có thể sẽ phải nhận mức phạt về tội Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác theo Điều 159 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Nếu được xác định hành vi phạm tội, nam IT có thể bị phạt tiền từ 20-50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Ngoài ra, nếu phạm tội có tổ chức; tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác hoặc khiến nạn nhân bị thương tổn sẽ bị phạt tù từ 1-3 năm.