Tin mới

Vì sao Syria không thể cứu nổi quan hệ Mỹ - Nga?

Thứ năm, 10/03/2016, 15:44 (GMT+7)

Nhiều người cho rằng, sự phối hợp tìm kiếm hòa bình, ổn định cho Syria và tiêu diệt nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) sẽ mở ra cơ hội cho mối quan hệ Nga - Mỹ trở nên tốt đẹp hơn. Thế nhưng, khả năng này sẽ rất thấp bởi ngay cả những người lạc quan nhất cũng nhận ra rằng, việc tạo dựng lại mối quan hệ Nga - Mỹ sẽ rất khó khăn.

Nhiều người cho rằng, sự phối hợp tìm kiếm hòa bình, ổn định cho Syria và tiêu diệt nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) sẽ mở ra cơ hội cho mối quan hệ Nga - Mỹ trở nên tốt đẹp hơn. Thế nhưng, khả năng này sẽ rất thấp bởi ngay cả những người lạc quan nhất cũng nhận ra rằng, việc tạo dựng lại mối quan hệ Nga - Mỹ sẽ rất khó khăn.

Quan điểm cho rằng sự hợp tác với nhau trong vấn đề Syria có thể giúp cải thiện quan hệ những nước liên quan xuất phát từ tư duy truyền thống về ngoại giao quốc tế. Từ quan điểm này, thành công trong việc thực hiện một phần và dự kiến "chấm dứt chiến sự" ở Syria có thể giúp khôi phục liên lạc và thậm chí là mức độ tin cậy lẫn nhau giữa Mỹ và Nga, tạo thuận lợi để giải quyết các vấn đề lớn hơn, bao gồm cả những khác biệt còn tồn tại giữa hai bên trong vấn đề Ukraine.

Đồng thời, một số người cũng tin rằng thành công ở Syria có thể giúp hai nước bỏ qua khác biệt, làm việc cùng nhau để giải quyết những vấn đề quốc tế nghiêm trọng. Quan điểm thứ hai này xuất phát từ những nhà ngoại giao ở Moscow, những người từng nhiều lần khẳng định với Mỹ rằng Nga cần được công nhận vai trò như một cường quốc chính trong các vấn đề quốc tế. Tuy nhiên, sự mất cân bằng về kinh tế và quân sự giữa Nga và Mỹ lại khiến các nhà ngoại giao Washington không có cùng quan điểm này. Các chuyên gia Mỹ cho rằng, lĩnh vực duy nhất mà Moscow có thể ngang hàng với Washington chính là vũ khí hạt nhân.

Những nhà chính trị lạc quan tin rằng sự hợp tác để giải quyết vấn đề Syria sẽ là cơ hội để Nga - Mỹ cải thiện quan hệ. Ảnh: AP

Lỗ hổng trong cách tiếp cận với hy vọng "thành công tiếp nối thành công" là bỏ qua thực tế chính trị trong giới lãnh đạo ở cả hai nước. Nói tóm lại, một thành công ban đầu không thể góp phần vào những thành công khác trong tương lai nếu nó gây tranh cãi nội bộ. Từ thành công này đi đến thành công khác không chỉ phụ thuộc vào hai chính phủ, mà còn phụ thuộc vào giới tinh hoa chính trị hai nước. Bởi vậy, sự hợp tác Nga - Mỹ ở Syria nếu muốn tạo đà cải tiến bền vững trong quan hệ, nó sẽ cần đến sự hỗ trợ chính trị rộng lớn hơn hiện nay, đặc biệt là ở Mỹ. Vì cả giới tinh hoa chính trị của Washington lẫn Moscow đều có quan điểm zero-sum (không thể có cuộc chơi mà cả hai bên cùng được lợi) sâu sắc về vấn đề Syria, cụ thể là tương lai của Tổng thống al-Assad, bởi vậy, để có thể làm hài lòng đôi bên thì đòi hỏi phải có sự kết hợp của ngoại giao sáng tạo cùng các Chính sách bạo dạn, khéo léo.

Trên thực tế, quan điểm "thành công tiếp nối thành công" đã thất bại hai lần trong những năm gần đây. Thất bại đầu tiên là việc tái thiết lập của chính quyền Obama, cái bị đánh giá là thất bại ngay từ khâu nhỏ vì chính quyền không thể thuyết phục được đảng Cộng hòa rằng những chính sách mới có thể đem lại lợi ích gì cho Mỹ. Thay vì đánh giá cao sự hỗ trợ của Moscow đối với quân đội Mỹ ở Afghanistan, nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa lại phẫn nộ cho rằng Nga đã không làm nhiều hơn trong khả năng của họ và gây ra mối nghi ngờ đối với mục đích của Điện Kremlin ở Trung Á. Tương tự như vậy, thay vì hân hoan với khởi đầu mới cho Hiệp ước kiểm soát vũ khí, nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa lại tỏ ra tức giận cho rằng chính quyền đã phê chuẩn thỏa thuận ở thế yếu hơn và có nhiều bất lợi cho Washington. Điều này đẩy nhanh quá trình chính trị hóa việc tái thiết, khiến nó sụp đổ ngay sau đó và đẩy quan hệ Nga - Mỹ ngày càng xấu đi.

Thất bại thứ hai là thỏa thuận hạt nhân Iran mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Trong trường hợp này, cũng giống như những hy vọng hiện tại quanh cuộc đàm phán Syria, các nhà ngoại giao Moscow đều lạc quan cho rằng "thành công tiếp nối thành công", trong khi giới tinh hoa ở Washington lại tỏ ra hoài nghi sâu sắc về quan hệ Nga - Mỹ sau sự can thiệp của Moscow ở Ukraine. Như vậy, trong khi thỏa thuận Iran lẽ ra là cách giải quyết tốt nhất mà chính quyền Obama đạt được, thì nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa lại xem đó đơn giản chỉ là thỏa thuận tốt nhất mà Mỹ có thể đạt được. Nhiều người còn xem thỏa thuận đó là thành công ngoại giao của Iran và Nga hơn là sự hợp tác của Nga và Mỹ.

Thỏa thuận ngừng bắn ở Syria liệu có mở ra con đường tươi sáng hơn cho Moscow và Washington? Ảnh: AP

Rất nhiều người cho rằng đảng Cộng hòa sẽ trở thành trở ngại chính trong tiến trình cải thiện mối quan hệ Nga - Mỹ. Thậm chí còn có người cho rằng nếu chính quyền Tổng thống Obama chịu nhún nhường trước Moscow, nước Mỹ sẽ phải đối mặt với nhiều nhiều vấn đề hơn.

Nhìn lại những năm 1990, khi đó, chính quyền Tổng thống Clinton gây áp lực cho một nước Nga yếu thế hơn nhiều để bắt họ chấp thuận việc mở rộng NATO và sau đó là việc NATO can thiệp vào Nam Tư. Những động thái này đã định hướng lại đáng kể quan điểm của giới tinh hoa chính trị Nga về nước Mỹ cũng như mục tiêu chính sách ngoại giao của họ, đồng thời cũng là khởi nguồn cho sự ủng hộ rộng rãi của nước Nga đối với Tổng thống Putin ngày nay.

Mặc dù cả Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đều ra sức nỗ lực, song mối quan hệ hai nước sẽ không thể được cải thiện lâu dài nếu không có sự hỗ trợ của giới tinh hoa hai bên. Trong thực tế, điều này đòi hỏi một nỗ lực đáng kể bởi nó đòi hỏi phải đáp ứng được lợi ích của cả hai bên và xóa tan những mối nghi ngờ còn tồn tại giữa hai nước.

Khi làm việc với các nhóm phi chính phủ ở Nga, Mỹ đã tập trung quá nhiều vào các nhóm đối lập thân Mỹ, vốn không phải là lực lượng có ảnh hưởng đến nền chính trị đương đại Nga. Về phần mình, chính phủ Nga đã hành động quá ít để làm việc với đảng đối lập ở Mỹ.

Mối quan hệ Nga - Mỹ thường là cái giá cao cho mục tiêu chính sách đối ngoại của cả hai nước, và thực tế, vấn đề an ninh quốc gia của mỗi nước, từ phổ biến vũ khí hạt nhân đến chống khủng bố, ổn định châu Âu và Trung Đông, đều đã có những cái giá quá rõ ràng.

Đặc biệt, kể từ khi Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính rằng trong năm 2015, kinh tế Mỹ đã gấp 14 lần kinh tế Nga, chi tiêu quốc phòng của Mỹ cũng lớn hơn Nga 10 lần, thì hầu hết người Mỹ đều tin rằng một mối quan hệ khả thi với Mỹ sẽ quan trọng hơn với Nga và ngược lại. Dẫu sao, đó vẫn mới chỉ là quan điểm của người Mỹ và vẫn còn gây tranh cãi rất nhiều tại cường quốc này. Tuy nhiên, có một sự thật là, bất cứ điều gì xảy ra ở Syria cũng sẽ là cơ hội để quan hệ Nga - Mỹ vượt qua giai đoạn căng thẳng, trở nên tốt đẹp hơn.

Lê Huyền (National Interest)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: tin cậy