Tin mới

Lý do EU vẫn tiếp tục mua dầu của Nga dù áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt

Chủ nhật, 29/05/2022, 19:17 (GMT+7)

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen, việc áp dụng lệnh cấm vận ngay lập tức đối với dầu Nga sẽ tạo điều kiện để Moskva bán dầu cho những nơi khác và thu về nhiều tiền hơn.

Mới đây, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen cho biết, châu Âu không thể áp đặt lệnh cấm vận ngay lập tức đối với dầu Nga, bởi việc này sẽ tạo điều kiện để Moskva bán nhiên liệu cho những nơi khác và thu về nhiều tiền hơn để đổ vào các hoạt động quân sự.

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu, nếu EU ngay lập tức cắt đứt hoàn toàn dầu Nga, thì Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể lấy số dầu mà ông ấy không bán cho Liên minh châu Âu (EU) để bán ra thị trường thế giới. Giá dầu tăng sẽ giúp quốc gia này thu về nhiều tiền hơn để đổ vào quân sự.

Lý do EU vẫn tiếp tục mua dầu của Nga dù áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt
Lý do EU vẫn tiếp tục mua dầu của Nga dù áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt

Theo bà Von der Leyen, các lệnh trừng phạt đang ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Nga nhưng ngược lại một lệnh cấm vận hoàn toàn sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế châu Âu.

"Chúng ta phải tìm ra sự cân bằng giữa việc áp lệnh trừng phạt lên Nga với việc bảo vệ nền kinh tế của mình. Đây là đòn bẩy mạnh nhất mà chúng ta có để đối phó với Nga, với ông Putin", bà Von der Leyen phân tích.

Công nhân vận hành trạm bơm tại giếng dầu Gremikhinskoye ở phía Đông Izhevsk, Nga. Ảnh: REUTERS
Công nhân vận hành trạm bơm tại giếng dầu Gremikhinskoye ở phía Đông Izhevsk, Nga. Ảnh: REUTERS

Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng nhấn mạnh rằng, việc giảm phụ thuộc vào dầu khí Nga là một trong những mục tiêu chính của EU về lâu dài. Việc này cũng sẽ giúp châu Âu chuyển dần sang năng lượng xanh.

“Theo thời gian, những gì chúng tôi cần làm là loại bỏ sự phụ thuộc tổng thể vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, cả 3 loại nhiên liệu. Khi đó, ông Putin sẽ mất đi khách hàng tốt nhất của mình, và châu Âu sẽ không bao giờ trở lại. Ông ấy đã thúc đẩy chúng tôi hướng đến năng lượng tái tạo", Chủ tịch Ủy ban châu Âu nhấn mạnh.

Tổng thống Serbia thừa nhận nền kinh tế của nước này hoàn toàn phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Tổng thống Serbia thừa nhận nền kinh tế của nước này hoàn toàn phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Để đáp trả chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, EU cùng với Mỹ và một số quốc gia phương Tây khác, đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với nước này trong 3 tháng qua. 

Đến thời điểm hiện tại, EU đã đưa ra 5 gói trừng phạt nhằm vào Nga và đang thảo luận về gói thứ 6, trong đó có lệnh cấm đối với nhiên liệu Nga, đặc biệt là dầu.

Hồi đầu tháng 5, Brussels đã giới thiệu một gói biện pháp mới kết hợp cả 2 mục tiêu, được gọi là REPowerEU. Gói này sẽ giúp đa dạng hóa nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga sang các nhà cung cấp khác.

Trong một diễn biến liên quan, trong cuộc điện đàm ngày 29/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Serbia Aleksandar Vucic đã nhất trí rằng Moskva sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt tự nhiên cho Serbia và hai nước sẽ thúc đẩy mối quan hệ đối tác.

Trong thông báo ngày 29/5, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga - tướng Igor Konashenkov cho biết, kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt khai màn đến nay, lực lượng Nga đã phá hủy 183 máy bay chiến đấu, 128 trực thăng, 1.049 máy bay không người lái, 325 hệ thống tên lửa đất-đối-không, 3.309 xe tăng và các phương tiện bọc thép chiến đấu khác, 447 bệ phóng loạt, 1.722 pháo dã chiến và súng cối, 3.270 xe cơ giới quân sự đặc biệt của quân đội Ukraine.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news