Chiếc máy bay Airbus A300 mang số hiệu 655 của hãng Iran Air chở theo 290 người đã bị một tên lửa phóng từ tàu khu trục USS Vincennes bắn rơi khi bay từ Iran tới Dubai, đi qua Vịnh Ba Tư ngày 3/7/1988.
Trong bài đăng trên Twitter hôm 6/1, ông Rouhani đã nhắc lại sự kiện này: "Những người nhắc tới con số 52 nên nhớ đến con số 290. #IR655. Không bao giờ đe dọa được quốc gia Iran".
52 chính là số lượng các địa điểm tại Iran mà Tổng thống Donald Trump dọa sẽ nhắm đến nếu như Tehran trả đũa việc Mỹ hạ sát tướng Qasem Soleimani. Ông Soleimani chết trong vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ hôm 3/1. Vụ việc đã đẩy căng thẳng leo thang và làm gia tăng các cuộc đấu khẩu giữa Tehran và Washington. Năm 1988, không khí tại vùng Vịnh cũng không kém phần dữ dội.
Trong hơn một năm, Hải quân Mỹ đã cam kết bảo vệ hoạt động vận chuyển thương mại đi qua khu vực vịnh Ba Tư khi bị cuộc chiến Iran-Iraq 1980-1988 đe dọa. Iran đã cố chặn việc tiếp tế của Iraq thông qua đường biển của vịnh Ba Tư, đặt mìn và bắn tên lửa vào tàu.
Chiến tranh bùng lên vào năm 1987 khi một chiến đấu cơ Iraq nhầm tàu khu trục USS Stark thành tàu chở dầu Iran và phóng 2 tên lửa vào đó. Kết quả, 37 thủy thủ Mỹ thiệt mạng.
Ảnh chụp ngày 17/5/1987 cho thấy tàu khu trục USS Stark bị trúng 2 tên lửa Exocet phóng từ chiến đấu cơ Iraq. Ảnh: Getty
Ngày 14/4/1988, Iran dùng mìn tấn công tàu khu trục USS Samuel B. Roberts khiến nó gần như vỡ đôi. 4 ngày sau đó, các tàu chiến Mỹ đã thực hiện nhiệm vụ tấn công các giàn khoan dầu của Iran để trả đũa vụ phóng tên lửa và đánh chìm một tàu nước này.
Vịnh Ba Tư không kém phần hỗn loạn vào ngày 3/7/1988 khi máy bay 655 của Iran Air cất cánh từ Bandar Abbas, một sân bay dân sự kiêm quân sự. Sân bay này là nơi quân đội Iran vận hành một số chiến đấu cơ F-14. Quân đội Mỹ tin rằng những chiếc F-14 của Iran được trang bị tên lửa Maverick, có thể tấn công tàu Mỹ trong vòng bán kính 16km. Một ngày trước đó, một trong những chiếc F-14 đã bị tàu tuần dương USS Halsey cảnh báo khi tiến quá gần tàu Mỹ.
Vào buổi sáng 3/7, tàu Vincennes tham gia chiến đấu bên cạnh tàu khu trục USS Montgomery, bắn nhau với các pháo hạm của Iran đang đe dọa một tàu chở dầu của Pakistan tại vùng Vịnh, theo báo cáo của Hải quân Mỹ.
Hàng ngàn người Iran biểu tình sau khi tàu USS Vincennes bắn rơi máy bay 655. Ảnh: Getty
Sự cố xảy ra khi Iran Air 655 rời sân bay Bandar Abbas gần nửa giờ sau giờ dự kiến. Các cuộc điều tra của Hải quân Mỹ sau đó cho thấy chiếc máy bay này đã đi vào lộ trình bay thương mại được phê duyệt và tự xác định tần số kiểm soát không lưu là một chuyến bay dân sự. Nhưng phi công Iran đã không được cảnh báo về sự thù địch đang diễn ra tại khu vực, mặc dù tháp kiểm soát không lưu của Bandar Abbas trước đó thường đưa ra cảnh báo. Các báo cáo cũng lưu ý rằng trong khi máy bay Iran không hồi đáp các cảnh báo từ tàu chiến Mỹ, phi hành đoàn của họ sẽ không theo dõi được các kênh được phát trên đó.
Trên tàu USS Vincennes, thuyền trưởng nhận được tin một chiếc máy bay không xác định đã được radar liên lạc nhưng lại không hồi đáp. Ông cũng nhận được thông báo không chính xác rằng đó có thể là một chiếc F-14 của Iran.
Nếu chiếc máy bay không xác định đó mang theo tên lửa Maverick, thuyền trưởng Mỹ chỉ còn chưa đầy 5 phút để quyết định xem tàu của ông có gặp nguy hiểm hay không. Theo lệnh được ban hành lúc tàu USS Stark trúng tên lửa một năm trước đó, thuyền trưởng tàu Vincennes đã quyết định khai hỏa.
7 phút sau khi cất cánh, may bay Airbus A300 của Iran Air bị trúng tên lửa đất đối không từ tàu khu trục Mỹ. Quân đội Mỹ sau đó đã gọi đây là "vụ tai nạn bi thảm và đáng tiếc".
Iran đã kiện chính phủ Mỹ ra Tòa án Công lý Quốc tế vào năm 1989. Năm 1996, Mỹ và Iran đã đồng ý giải quyết vụ kiện với thỏa thuận Mỹ trả hàng chục triệu USD bồi thường cho gia đình các nạn nhân.
Hai ngày sau khi chuyến bay 752 của hãng UIA bị rơi gần Tehran hôm 8/1, các nhà lãnh đạo thế giới nói rằng có thể các tên lửa phòng không của Iran đã bắn nhầm máy bay. Và giờ đây, Iran thừa nhận họ thực sự đã bắn nhầm máy bay khiến 176 người vô tội thiệt mạng.