Chính quyền Tổng thống Joe Biden được cho là đã điều động các tên lửa chống hạm tiên tiến hơn đến Ukraine để giúp nước này phá vỡ cuộc phong tỏa của hải quân Nga đối với những cảng ở Biển Đen.
Reuters dẫn nguồn 3 quan chức chính quyền và 2 nguồn quốc hội cho biết những tên lửa được đề cập là Harpoon do Boeing sản xuất và Naval Strike Missile (NSM) của Kongsberg and Raytheon Technologies. Các cuộc đàm phán sôi nổi đang diễn ra để bàn về việc chuyển tên lửa trực tiếp đến Kiev hay gián tiếp thông qua một đồng minh châu Âu.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã vận động hành lang ít nhất kể từ tháng 4 để các nước phương Tây cung cấp Harpoon hoặc các tên lửa khác có khả năng tương tự cho nước ông. Tuy nhiên, như Reuters đưa tin, các nước này luôn tránh trở thành nước đầu tiên hoặc duy nhất cung cấp vũ khí cho Kiev, "lo sợ sự trả đũa của Nga nếu một con tàu bị bắn chìm bằng tên lửa Harpoon từ kho dự trữ của họ".
Theo Reuters, một quốc gia có "dự trữ tốt" đang xem xét để trước thành nước đầu tiên chuyển giao những tên lửa như vậy cho Ukraine còn những nước khác sẽ theo chân. NSM có thể được phóng đi tương đối dễ dàng từ bờ biển và có tầm bắn tối đa 250km. Các đồng minh NATO có các bệ phóng NSM di động trên mặt đất cho thuê và đầu đạn sẽ đến từ Na Uy.
Tên lửa Harpoon có thể tiêu diệt các mục tiêu từ khoảng cách gần 300km nhưng nó thường được dùng như một tên lửa đối hạm, có rất ít bệ phóng từ bờ biển. Theo Reuters, Mỹ có thể cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách kéo bên phóng khỏi tàu chiến. Harpoon bay theo quỹ đạo thấp, lướt trên biển và dẫn đường bằng radar chủ động.
Ukraine cũng yêu cầu nhiều hệ thống phóng tên lửa (MRLS), chẳng hạn như M270 của Lockheed Martin. Những yêu cầu này có thể được vận chuyển sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ 40 tỷ USD. M270 có thể tấn công các mục tiêu cách xa 70km, tầm bắn xa hơn so với các loại lựu pháo hiện có của Ukraine.
Việc phá vỡ sự phong tỏa của Nga với Odessa và các cảng khác trên Biển Đen có thể cho phép vận chuyển lúa mì và các mặt hàng xuất khẩu khác của Ukraine ra khỏi nước này. Các quan chức Nga cảnh báo việc vận chuyển vũ khí phương Tây đến Ukraine là "đổ thêm dầu vào lửa" và có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột rộng lớn hơn.
Trong cuộc tranh luận về dự luật viện trợ khổng lồ cho Ukraine vào tuần trước, Nghị viên Mỹ Matt Gaetz cho rằng bằng cách tăng cường vận chuyển vũ khí cho Kiev và các lệnh trừng phạt chống Moscow, chính quyền Biden đã "mộng du" bước vào cuộc chiến với Nga.
Nga đã tấn công nước láng giềng sau khi Ukraine không tuân thủ thỏa thuận Minsk được ký kết lần đầu năm 2014 và Moscow cuối cùng công nhận 2 nước cộng hòa Donetsk và Lugansk của Donbass. Thỏa thuận Minsk do Đức và Pháp làm trung gian được thiết kế để trao cho khu vực này tình trạng đặc biệt ở Ukraine.
Điện Kremlin từ đó đã yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ gia nhập vào khối quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ tuyên bố họ đang có kế hoạch chiếm lại 2 nước cộng hòa bằng vũ lực.
(Theo RT)
>> Xem thêm: Ukraine gia hạn thiết quân luật và tổng động viên thêm 90 ngày