Các thành viên của Nghị viện châu Âu (MEP) gần như nhất trí thông qua một nghị quyết lên án hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine và kêu gọi các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Moscow, bao gồm hạn chế nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga và ngắt kết nối quốc gia này khỏi SWIFT.
Các đại biểu cũng yêu cầu các tổ chức EU và các nước thành viên EU làm việc để cấp cho Ukraine tư cách ứng viên gia nhập khối, cũng như chuẩn bị một kế hoạch trị giá hàng tỷ đô la để giúp đỡ quốc gia này.
Trong phiên họp, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đã phát biểu trước các đại biểu thông qua video.
"Nghị viện châu Âu lên án bằng những điều khoản mạnh mẽ nhất có thể đối với hành động gây hấn quân sự và xâm lược bất hợp pháp, vô cớ và phi lý của Liên bang Nga đối với Ukraine, cũng như sự tham gia của Belarus trong hành động gây hấn này", nghị quyết nêu rõ.
Các biện pháp trừng phạt gay gắt
Các thành viên của Nghị viện châu Âu kêu gọi EU áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn mới đối với Nga, đặc biệt là nhằm "làm suy yếu một cách chiến lược nền kinh tế và cơ sở công nghiệp của Nga, đặc biệt là khu phức hợp quân sự-công nghiệp và khả năng Liêng bang Nga đe dọa an ninh quốc tế trong tương lai".
MEP cũng nhấn mạnh rằng "Liên bang Nga phải chịu trách nhiệm về việc phá hủy cơ sở hạ tầng của Ukraine, bao gồm cả các tòa nhà riêng và khu dân cư, cũng như những thiệt hại kinh tế đáng kể và sẽ phải bồi thường thiệt hại do các hành động gây hấn của mình."
Ngắt kết nối khỏi SWIFT
MEP kêu gọi Liên minh châu Âu ngắt kết nối hoàn toàn Nga và Belarus khỏi SWIFT liên quan đến hoạt động quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
"Nghị viện châu Âu kêu gọi cấm Liên bang Nga và Belarus khỏi hệ thống SWIFT và áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các ngân hàng sử dụng các phương tiện thay thế SWIFT cho các giao dịch liên quan".
Trước đó, EU đã quyết định ngắt kết nối một số ngân hàng của Nga khỏi SWIFT. Quyết định này sẽ sớm được thông qua và có hiệu lực. Các nước EU vẫn chưa đồng ý ngắt Nga khỏi hệ thống này hoàn toàn.
Hạn chế nhập khẩu dầu khí, đóng cửa cảng
MEP kêu gọi Liên minh châu Âu hạn chế nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga, cũng như đóng cửa tất cả các cảng cộng đồng đối với tàu Nga.
Văn kiện cho biết: “Nghị viện châu Âu kêu gọi hạn chế nhập khẩu các mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Nga, bao gồm dầu và khí đốt”.
MEP cũng kêu gọi "đóng cửa các cảng của EU đối với tàu Nga" và "từ chối những tàu có điểm đến cuối cùng hoặc tiếp theo là Liên bang Nga tiếp cận tất cả các cảng của EU, trừ trường hợp vì lý do nhân đạo chính đáng cần thiết".
Giảm số lượng văn phòng đại diện của Nga
Nghị viện châu Âu "kêu gọi EU và các quốc gia thành viên" giảm số lượng các cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự của Nga tại EU và các nước thành viên, đặc biệt và ngay lập tức khi hành động của họ liên quan đến quân đội".
Chấm dứt cấp phép phần mềm
Tài liệu cho biết "Nghị viện châu Âu kêu gọi EU và các nước thành viên chấm dứt cấp phép phần mềm cho các thiết bị quân sự và dân sự ở Nga và Belarus, đặc biệt là những thiết bị được sử dụng để liên lạc và định vị vệ tinh".
Tư cách ứng cử viên EU và hỗ trợ cho Ukraine
Nghị viện châu Âu "kêu gọi các thể chế của EU làm việc hướng tới việc cấp tư cách ứng viên EU cho Ukraine, phù hợp với Điều 49 của Hiệp ước về Liên minh châu Âu và trên cơ sở công trạng, đồng thời tiếp tục hướng tới sự hội nhập của họ vào thị trường chung EU theo các nội dung của Hiệp định Hiệp hội”.
MEP cũng kêu gọi các nước thành viên EU "chuẩn bị một kế hoạch hỗ trợ và phục hồi trị giá hàng tỷ Euro cho Ukraine để hỗ trợ nền kinh tế nước này, tái thiết cơ sở hạ tầng bị phá hủy của họ”.
Hoạt động quân sự của Nga
Trong một bài phát biểu trên truyền hình ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết để đáp lại yêu cầu của người đứng đầu các nước cộng hòa Donbass, ông quyết định thực hiện một chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm bảo vệ những người "đã bị chế độ Kiev lạm dụng và diệt chủng trong tám năm". Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh rằng Moscow không có kế hoạch chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Ukraine.
Khi làm rõ những diễn biến đang diễn ra, Bộ Quốc phòng Nga trấn an rằng quân đội Nga không nhắm vào các thành phố của Ukraine mà chỉ giới hạn trong việc tấn công mạnh và làm mất khả năng hoạt động của cơ sở hạ tầng quân sự tại nước này. Không có bất kỳ mối đe dọa nào đối với dân thường.
Sau đó, Mỹ, EU, Anh và một số quốc gia khác tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các pháp nhân và cá nhân Nga.
(Theo TASS)
>> Xem thêm: Hàng không Việt Nam sẵn sàng đưa công dân từ Ukraine hồi hương