Tổng thống Barack Obama đã nói lời chia tay với các lãnh đạo G20 tại Hàng Châu, Trung Quốc hôm 5/9 với lời nhắc nhở: Họ đang sống trong thời đại "hỗn loạn". Và ông ấy không đùa.
Chuyến công du châu Á cuối cùng của ông diễn ra trong bối cảnh có những khinh suất ngoại giao và sự ganh đua quyền lực phản ánh sự không ổn định của thế giới mà ông Obama để lại cho người kế nhiệm vào tháng 1/2017.
Những "người chơi" mới
Các cuộc tranh cãi chính trị cho thấy chính trị quốc tế hiện nay là một mớ hổ lốn với nhiều cạnh tranh, các cường quốc đang lên hoặc đang hồi sinh có ít lý do để đứng sau Mỹ hơn so với trường hợp sau Thế chiến II và Chiến tranh Lạnh. Và có thể thấy các nhà lãnh đạo nước ngoài hiện nay chỉ quan tâm đến ai sẽ là người tiếp theo ngồi vào Phòng Bầu Dục khi ông Obama rời nhiệm sở.
Ông Obama không chỉ đối đầu với chính quyền Nga, Trung Quốc và Triều Tiên những nước đang công khai chống đối Washington - hoặc ít nhất là sẵn sàng làm rõ việc họ không muốn chơi theo luật của Mỹ - nhưng vào cuối tuần vừa qua, ông đã phải đau đầu vì các đồng minh của mình, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ và Philippines.
Tân tổng thống hung hăng của Philippines, Rodrigo Duterte hôm 5/9 đã nói về ông Obama trong một cuộc phỏng vấn: "Ông ta là ai?". Nhà lãnh đạo quốc gia Đông Nam Á này dọa sẽ đả kích nếu Tổng thống Mỹ đưa chiến dịch chống ma túy của Philippines ra cuộc họp thượng đỉnh khu vực tại Lào. "Tôi là tổng thống của một nước có chủ quyền. Và chúng tôi không còn là thuộc địa của Mỹ. Con trai của gái điếm, tôi sẽ chửi ông như thế", ông Duterte nói.
Vụ việc thể hiện sự thiếu tôn trọng tổng thống Mỹ. Và mặc dù ông Obama nhún vai trước những bình luận từ nhà lãnh đạo "màu mè" này trong cuộc họp báo hôm 5/9, Nhà Trắng sau đó vẫn hủy cuộc gặp của ông với ông Duterte, thay vào đó là cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc. Ông Duterte sau đó đã phải xin lỗi về những gì mình lỡ miệng.
Những rắc rối ở châu Á
Ông Duterte không phải là vị tổng thống có tính cách thất thường đầu tiên của Philippines, nhưng sự khó đoán và việc sẵn sàng thổi bùng lên sự oán hận âm ỉ của một nước từng là thuộc địa đối với Mỹ cho thấy sự gián đoạn không mong muốn đối với Nhà Trắng vào cuối nhiệm kỳ của ông Obama.
Nó diễn ra tại "chảo lửa" khu vực, nơi Bắc Kinh đang có những động thái gây hấn ở Biến Đông. Các nước Đông Nam Á ngày càng quan trọng đối với những nỗ lực kiềm chế cường quốc đang lên này.
Ông Obama hy vọng sẽ dùng chuyến đi cuối cùng tới châu Á trong vai trò tổng thống và điều này nhấn mạnh Chính sách xoay trục tới khu vực này của ông.
Bản báo cáo mà Nhà Trắng đem đến Thượng đỉnh G20 lần này đã giới thiệu những tiến bộ kinh tế trong 8 năm cầm quyền của Tổng thống Obama. Và trong một kết quả quan trọng của hội nghị, ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chính thức đi đến thỏa thuận là cả 2 nước sẽ tham gia Hiệp định Khí hậu Paris, cam kết cắt giảm lượng khí thải carbon.
Nhưng vẫn có điểm sáng: chuyến đi lần này của ông tới Trung Quốc đã đưa ra những lời nhắc nhở đó là kể từ khi ông Obama lên nắm quyền năm 2009 (đặc biệt là từ khi ông Tập nổi lên như một lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc sau khi nhậm chức năm 2012) quan hệ Trung - Mỹ đã trở nên tồi tệ.
Mở đầu chuyến công du này, cuộc cãi vã của lực lượng hậu cần về việc không có cầu thang máy bay cho ông Obama đi tới thảm đỏ tại sân bay Hàng Châu và vụ to tiếng giữa quan chức Mỹ, Trung đã bùng nổ trên mặt báo.
Có thời điểm, một quan chức Nhà Trắng đã cảnh báo đối tác Trung Quốc về việc người này ngăn phóng viên đứng dưới cánh chiếc Air Force One. Người này nói đó là máy bay Mỹ. Nhân viên an ninh phía Trung Quốc đáp trả: "Đây là đất nước của chúng tôi".
[mecloud]ZV5pmgaGC8[/mecloud]
Ông Obama cũng nhún vai khi được hỏi về sự cố này. Ông thừa nhận sự bất đồng về việc tiếp cận báo chí thường phát sinh với Trung Quốc nhưng chắc chắn đó không phải là biểu tượng cho quan hệ Mỹ - Trung.
Bình luận về vụ việc này, ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter: "Bạn có thể tin là Trung Quốc không cung cấp cầu thang thích hợp để Obama rời khỏi máy bay - chiến đấu trên đường băng".
Bắc Kinh nói rằng báo chí Mỹ "không chuyên nghiệp" và "thổi phồng" sự việc.
"Trung Quốc đã chào đón tất cả các nhà lãnh đạo tham dự Thượng đỉnh G20 một cách nhiệt tình và thân thiệt, tại sao chúng tôi lại gây ra vấn đề với phái đoàn Mỹ, mục đích là gì?", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh nói.
Dù thế nào thì sự cố này cũng là biểu tượng cho những căn thẳng của các vấn đề chủ quyền có thể xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc. Một số nhà phân tích lo ngại rằng đụng độ có thể xảy ra trên sân khấu địa chính trị trong năm tới.
Những mối quan hệ đóng băng
Tổng thống Putin và Tổng thống Obama dành cho nhau cái nhìn không thiện cảm tại Thượng đỉnh G20. Ảnh: Reuters |
Một nước khác đang mở rộng sức mạng dựa vào việc miệt thị Mỹ - đó là Nga - cũng chộp lấy cơ hội này tại Thượng đỉnh G20. Trong bức ảnh được chụp hôm 5/9, ông Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin rõ ràng là trao nhau cái nhìn không thân thiện.
"Thông thường, các cuộc họp của chúng tôi mang giọng điệu thẳng thắn, thẳng thừng, thiết thực và lần này không có gì khác", ông Obama mô tả với các phóng viên.
Ông cũng đã nhắc tới "những khoảng trống lòng tin" đối với vấn đề Syria, cảnh báo rằng Mỹ có "khả năng hơn" ở cả "phòng thủ lẫn tấn công" khi nói đến hoạt động gián điệp không gian mạng, nhấn mạnh rằng Mỹ không có ý định nới lỏng trừng phạt với Nga do hành động của nước này tại Ukraine.
Những cuộc đàm phán khó khăn là lời nhắc nhở rằng "việc thiết lập lại" mối quan hệ với Nga mà ông Obama đi tiên phong ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ cho đến nay trong khi ông Putin lại tận dụng sự hỗn loạn tại Trung Đông để khôi phục sự ảnh hưởng của Nga với Syria và Iran.
Căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ
Tổng thống Obama cũng đã đầu tư vào cải thiện quan hệ với một lãnh đạo nước ngoài khác mà ông gặp tại G20 - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Mặc dù ông Obama đã bày tỏ sự nuối tiếc đối với "cuộc đảo chính kinh khủng" không lật đổ được ông Erdogan hồi tháng 9 nhưng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã không né tránh việc gia tăng những khác biệt với Mỹ trước báo chí.
"Tất cả các hình thức chủ nghĩa khủng bố đều xấu xa. Tất cả các hình thức chủ nghĩa khủng bố đều là tội ác", ông Erdogan nói. Sau đó, ông này đề cập đến tên của một nhóm người Kurd được Mỹ hậu thuẫn tại Syria. Ankara coi nhóm này là một tổ chức khủng bố.
Khi tới Lào, ông Obama đã tỏ ra không nao úng trước môi trường quốc tế bất lợi không thể đoán trước ở cuối nhiệm kỳ.
"Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta nhận ra đây là thời kỷ hỗn loạn. Một loạt các quốc gia đang chứng kiến tình hình chính trị không ổn định. Nhưng khi bạn nhìn lại nhiệm kỳ 8 năm, thực sự bạn sẽ thấy mọi thứ đã tốt hơn", ông Obama nói tại buổi họp báo của mình.
Bảo Linh (CNN)