Nhật Bản sẵn sàng tăng thêm chi tiêu quốc phòng, phá vỡ kỷ lục trong 5 năm liên tiếp. Số tiền này sẽ tăng cường khả năng của Tokyo nhằm chống lại Bắc Kinh tại Biển Đông và bảo vệ Nhật khỏi cuộc tấn công tên lửa tiềm ẩn từ phía Triều Tiên.
Viết chú thích ảnh ở đây. |
Tờ RT của Nga đưa tin Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm 31/8 tuyên bố nội các của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ yêu cầu thêm 5,17 triệu Yen (50 tỷ USD) từ quốc hội. Nếu được chấp nhận, chi tiêu quốc phòng của Nhật sẽ tăng lên 2,3%. Bộ Tài chính vẫn chưa kiểm tra lại yêu cầu này trước khi nó được gửi đến các nhà lập pháp.
Một trong những phần lớn nhất của ngân sách quốc phòng, khoảng 1 tỷ USD, sẽ được dùng để nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không PAC-3 Patriot của Nhật Bản nhằm tăng tầm bắn và độ chính xác để triển khai trong năm 2020, đề xuất nêu rõ.
Quân đội Nhật Bản cũng muốn phát triển một tàu ngầm mới với khả năng giám sát tiên tiến, cùng với Mỹ tạo ra những tên lửa đánh chặn thế hệ tiếp theo, xây dựng một đơn vị quân đổ bộ lưu động gồm 2.000 quân gần Nagasaki và cử thêm nhân viên tới Philippines cũng như các nước khác tại châu Á.
Tokyo cũng muốn mua thêm các chiến đấu cơ F-35 của Mỹ và phát triển những tên lửa chống tàu tốt hơn.
Sau khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Abe đã lật ngược một thập kỷ cắt giảm quốc phòng, đưa đất nước thoát khỏi quan điểm hòa bình thời hậu Thế chiến II bằng cách thúc đẩy vai trò lớn hơn của quân đội. Việc tăng quân sự hóa đã bị xã hội Nhật Bản phản đối nhưng điều này dường như đã thay đổi khi căng thẳng với Triều Tiên và Trung Quốc ngày càng leo thang.
Gần đây, Bình Nhưỡng đã chứng minh được những tiến bộ trong chương trình tên lửa của mình. Họ đã phóng thành công một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm hồi đầu tháng 8 này. Bế tắc của Tokyo và Bắc Kinh thì tập trung vào chuỗi đảo tại biển Hoa Đông - nơi cả 2 nước có tuyên bố chủ quyền.
Những tuyên bố của Trung Quốc bị Mỹ - đồng minh chính của Nhật - thách thức. Washington đã đưa tàu chiến, máy bay tới khu vực này. Hồi đầu tháng này, Bắc Kinh đã cảnh báo rằng nếu Tokyo cùng Mỹ thực hiện "tự do hàng hải" thì họ sẽ "vượt lằn ranh đỏ".
Tuần trước, Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida đã nói với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị rằng các tàu Trung Quốc phải ngừng ngay việc xâm phạm lãnh thổ Nhật Bản quanh quần đảo tranh chấp.
Bảo Linh (RT)