Lúc sinh thời, Hoàng đế Càn Long của triều Thanh được cho là người đặc biệt yêu thích thư pháp và hội họa.
Chính vì thế, ông đã thu thập được nhiều bức tranh nổi tiếng nhằm thỏa mãn đam mê của chính mình và sau này những bức tranh đó đều được lưu giữ trong Bảo tàng Cố Cung ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
Ngoài những bức tranh thể hiện tài hoa của người nghệ sĩ thì cũng có một bức tranh nổi tiếng bởi sự ma mị và quỷ dị của nó.
Được biết, bức tranh mang tên Khô Lâu Huyễn Hí Đồ này đã 'ngủ yên' trong Tử Cấm thành hàng nghìn năm nhưng tuyệt nhiên không ai có thể hiểu được ý nghĩa thực sự của nó.
Sina cho biết, tác phẩm Khô Lâu Huyễn Hí Đồ được thực hiện bởi họa sĩ Lý Tung vào thời Nam Tống.
Họa sĩ này được biết đến với nhiều bức tranh có nội dung thể hiện cuộc sống của tầng lớp dưới đáy xã hội.
Ông cũng rất giỏi thể hiện thái độ của mình đối với cuộc đời thông qua hội họa và tác phẩm Khô Lâu Huyễn Hí Đồ của ông đã khiến cho nhiều người phải đau đầu vì hàm ý sâu xa mà nó chứa đựng.
Được biết, tác phẩm này được vẽ trên nền vải của một cây quạt tròn, dù kích cỡ không quá lớn nhưng các đường nét của nó đều vô cùng sắc sảo, màu sắc thể hiện cũng vô cùng chuẩn chỉ.
Toàn bộ quang cảnh của bức tranh ban đầu được nhận định là rất yên bình với màu sắc tươi sáng như cảnh của một gia đình đang cùng con xem múa rối.
Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ từng chi tiết thì người xem sẽ dần nhận ra được sự kỳ quái khi nhân vật trung tâm trong bức ảnh là một bộ xương mặc quần áo xuyên thấu với dáng ngồi vô cùng thoải mái.
Trước mặt và sau lưng bộ xương có hai người, phần trước mặt là hình ảnh một đứa trẻ đang bò trên mặt đất và đang bị đầu lâu thu hút.
Bên cạnh đứa trẻ là một người phụ nữ có dáng vẻ lo lắng, đang cố ngăn cản cậu bé không chạm vào bộ xương. Phía sau bộ xương lớn là một người phụ nữ trẻ và đang cho đứa con của mình bú. Đôi mắt của người phụ nữ này toát lên vẻ thanh thản và bình tĩnh.
Khi nhìn vào bức tranh này, một số chuyên gia đưa ra giả thuyết rằng bộ xương trong bức tranh chỉ là một phép ẩn dụ đùa cợt về những người ở triều đại nhà Tống và nhà Nguyên.
Với việc để người thật và bộ xương (tượng trưng cho cái chết) người họa sĩ tài ba Lý Tung đã cho thấy bản chất của cuộc sống là sống và chết luôn tồn tại cùng một lúc.
Ngoài ra, các chuyên gia lại đơn giản cho rằng bức tranh này có liên quan nhiều đến văn hóa thời kỳ Nam Tống.
Lúc này hình ảnh bộ xương thường xuyên được sử dụng như một hình ảnh để ẩn dụ hài hước về con người. Dẫu vậy khi trải qua nhiều năm, cách ẩn dụ và ví von này dần bị lãng quên và khiến cho hậu thế cảm thấy không khỏi hoang mang và rợn người khi nhìn vào.