Phim truyền hình Việt Nam đã trải qua nhiều bước thăng trầm, ở thời kỳ đỉnh cao những năm 90 của thế kỷ trước, chúng ta đã chứng kiến một số bộ phim đã "làm mưa, làm gió" trên màn ảnh nhỏ như: Những mảnh đời của Huệ, 13A và 4H, Của để dành, Xin hãy tin em, Cầu thang tối, Người Hà Nội, Những người sống quanh tôi… tạo nên sự tin yêu của công chúng đối với phim truyền hình Việt Nam.
Những phim truyền hình này tạo ra hàng loạt những ngôi sao phim truyền hình ra đời như: NSND Trọng Trinh, nghệ sĩ Trần Lực, NSND Bùi Bài Bình, NSND Lan Hương (em bé Hà Nội), NS Nguyệt Hằng, NSND Anh Tú, NSND Minh Hằng, NSND Minh Hoà, NSND Hoàng Dũng…
Bẵng đi một thời gian, phim truyền hình đã không còn sức hút như trước, nhiều người đã không còn thói quen xem phim Việt Nam mà họ tìm đến những bộ phim nước ngoài để giải trí.
Thời gian đó, nhiều nghệ sĩ cũng không mặn mà với phim truyền hình, họ thậm chí làm trái nghề để mưu sinh khiến cho thị trường phim trong nước bị bỏ ngỏ, không nhiều người mặn mà làm phim.
Khoảng 5 năm trở lại đây, phim truyền hình trên sóng VTV đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ với những bộ phim "bom tấn" như: Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Quỳnh búp bê, Về nhà đi con, Hướng dương ngược nắng, Hương vị tình thân, Thương ngày nắng về... lấy nhiều cảm xúc và nước mắt của khán giả với nội dung nói về tình cảm gia đình.
Tuy nhiên, những bộ phim chiếu trên truyền hình không phải lúc nào cũng hấp dẫn, 1 năm trở lại đây, nhiều bộ phim truyền hình bị chê nhạt, chưa đủ sức kéo khán giả ngồi trước màn hình như: Chồng cũ, vợ cũ, người yêu cũ, Hành trình công lý, Anh có phải đàn ông không, Đấu trí...
Những bộ phim này bị đánh giá là có nội dung nhàm chán, luẩn quẩn, không có sự đột phá và đóng góp đáng kể vẫn là những bộ phim Việt hoá. Vậy vì sao phim truyền hình Việt Nam lại có những "khoảng lặng" như vậy?
Chia sẻ với Người Đưa Tin, đạo diễn Quang Minh cho hay, phim truyền hình Việt Nam vài năm nay vẫn thiếu về kịch bản, vì thế, một số phim "ăn khách" lại là một số phim Việt hoá, được làm lại từ kịch bản phim nước ngoài.
"Những phim truyền hình hấp dẫn thời gian qua có thể kể đến như: Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Thương ngày nắng về... đều là những phim Việt hoá. Yếu nhất của phim truyền hình là không có nhiều kịch bản thuần Việt. Hoặc nếu có cũng đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, để làm lại phim từ các phiên bản của nước ngoài là khó. Làm lại cái mà người ta đã thành công rất gian nan, nếu không thì cũng chỉ ở mức... nhàng nhàng", đạo diễn Quang Minh thẳng thắn.
Nói về phim truyền hình hiện nay, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã thẳng thắn, người Việt Nam có nhiều câu chuyện về gia đình hay, có cảm xúc nhưng các đạo diễn vẫn phải lấy cốt từ kịch bản nước ngoài, từ đó, câu chuyện có thể "gồng" theo nguyên mẫu nên độ hấp dẫn có giảm đi.
"Kịch bản phim của chúng ta vẫn đang ở sự "mò mẫm" chứ chưa có đột phá. Vì các biên kịch của Việt Nam chưa có đủ vốn sống kiến thức, trải nghiêm nên chưa có những kịch bản phim xứng tầm. Nếu có hay thì cũng là may mắn.
Các biên kịch viết kịch bản vẫn còn nhiều thiếu sót là không có tính logic trong câu chuyện. Họ thường viết kịch bản theo con mắt chủ quan của mình mà chưa có sự liên kết trong truyện kể. Có thể do kiến thức của họ yếu nên họ có cái nhìn phiến diện. Các bạn ấy sẽ phải học hỏi, trải nghiệm thêm, có sự dẫn dắn của những người đi trước thì sẽ có những kịch bản hay", bà Trịnh Thanh Nhã nêu quan điểm.
Theo biên kịch Trinh Thanh Nhã, chính vì sự "thụ động" trong nguồn kịch bản ở phim truyền hình và điện ảnh nên vài năm qua, số lượng phim được đánh giá cao không nhiều. Nhiều phim được đầu tư, có dàn diễn viên đình đàm mà không thể "cân" được vì kịch bản không hay, nếu không nói... dở tệ.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, NSND Lan Hương cho hay, chị là người thường xuyên tham gia vào nội dung với nhà sản xuất để có những câu thoại, cảnh quay "đắt giá" hơn.
"Tôi là một người khá kỹ tính, tôi thường đọc trước kịch bản trước khi nhận lời làm phim. Nếu có những đoạn không hay, lời thoại chưa "đời", chưa gần gũi, tôi bàn với đạo diễn sửa đổi ngay. Nhiều năm qua phim truyền hình có nhiều bước tiến, nhưng cũng có phim chưa hay thì cũng như một bữa cơm có món ngon, món chưa ngon thôi.
Phim chưa hay thì phụ thuộc nhiều yếu tố. Ngoài việc các nhà sản xuất tìm kịch bản hay thì cũng nên tố chức các cuộc thi viết kịch bản để có nhiều nội dung cho phim truyền hình", NSND Lan Hương tâm sự.
Diễn viên Hà Hương - người đóng vai Nguyệt trong Phim Phía trước là bầu trời thì cho hay: "Nếu diễn viên được mời đóng ở một phim "bom tấn", kịch bản hay là một điều may mắn, vì không những phim được nhiều người biết đến mà tên tuổi của diễn viên cũng được nổi tiếng hơn.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, ngoài những nghệ sĩ có tên tuổi dám "bật" lại đạo diễn, thì các diễn viên trẻ vẫn nể và sợ nhà sản xuất, đạo diễn nên "nói sao nghe vậy", không có những cuộc tranh luận nảy lửa để chỉnh sửa cho kịch bản hay hơn".