Tiểu Bạch Long trong Tây Du Ký rõ ràng là hậu duệ của Long Vong, rất có năng lực, nhiều lần ra tay tương trợ khi Đường Tăng và các đồ đề khác gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, mỗi lần muốn cầu mưa, Tôn Ngộ Không lại đến cầu Tứ hải Long Vương. Vì sao cũng là rồng mà Tôn Ngộ Không lại không nhờ Bạch Long giúp đỡ?
Trong Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không đã nhiều lần đi xin mưa. Mỗi lần như vậy, Tề Thiên Đại Thánh lại tìm đến các vị Long Vương của tứ hải, đặc biệt là Đông Hải Long Vương. Điều này khiến nhiều khán giả truyền hình thắc mắc. Rõ ràng, trong phái đoàn thỉnh kinh có Bạch Long Mã, cũng là hậu duệ của Long Vương. Dù cầu mưa lớn, mưa nhỏ, Tôn Ngộ Không chưa bao giờ để Tiểu Bạch Long làm điều đó. Điều này có thể nhìn nhận qua 3 khía cạnh.
Thứ nhất, Bạch Long Mã có phải rồng không? Thứ hai, có chắc cứ là rồng làm phép thì trời sẽ có mưa? Và cuối cùng, nếu Bạch Long Mã làm được mưa thì hắn có dám làm không?
Trước hết, những gì xảy ra với Bạch Long Mã khi gia nhập nhóm thỉnh kinh sẽ giải thích rõ ràng anh ấy có còn là rồng hay không. Lúc bấy giờ, Quan Thế Âm Bồ Tát đến khai sáng và đề nghị bạch long gia nhập đội đi Tây Phương thỉnh kinh. Tiểu Bạch Long không chỉ lấy ra 2 hạt châu trên đỉnh đầu mà còn lấy ra một chiếc xương ngang của chính minh. Hạt châu đó rất có thể là viên ngọc rồng. Sau này, người ta còn kể rằng bạch long đã loại bỏ sừng và vảy rồng khắp cơ thể, biến thành một con bạch mã.
Trên thực tế, Tiểu Long Vương của Tây Hải đã không còn là một con rồng thực sự nữa. Sau khi thỉnh được chân kinh, chỉ sau khi vào hồ Hóa Long thì Bạch Long Mã mới khôi phục lại thành rồng. Trên đường đi thỉnh kinh, Bạch Long Mã từng biến thành rồng nhưng chỉ là "hóa rồng" chứ không còn năng lực của một con rồng đích thực.
Mặc dù Bạch Long Mã không được coi là rồng thật nữa nhưng vẫn có thể "hóa rồng" và vấn đề thứ 2 nảy sinh. Liệu trời có mưa khi rồng làm phép? Hiển nhiên là không. Trong Tây Du Ký, dù các nhân vật thần tiên, yêu quái có phép thuật nhưng không thể tùy tiện, muốn làm gì thì làm. Đặc biệt chuyện nắng mưa đều phải có chiếu chỉ của Ngọc Hoàng mới được.
Ví dụ rõ ràng nhất là Long Vương Kính Hà quản việc làm mưa xuống trần gian. Nhưng chỉ vì cá cược với thầy xem bói mà ông đã tự ý thay đổi thời gian, lượng mưa lệch với chiếu chỉ của Ngọc Hoàng. Kết cục, Kính Hà Long Vương phạm tội khi quân, chịu xử tử.
Tiểu Bạch Long dù có năng lực tạo mưa cũng không thể tùy ý làm trái ý trời. Tôn Ngộ Không hiểu được điều này nên trong suốt hành trình thỉnh kinh mới không để Tiểu Bạch Long làm bất cứ việc gì sai phạm.
Hơn nữa, dù có yêu cầu Tiểu Bạch Long làm mưa thì con rồng này vẫn phải chạy đi lấy nước, sau đó quay lại, rất lãng phí thời gian. Vốn dĩ một câu chú có thể gọi được Đông Hải Long Vương, vậy sao phải đi đường vòng?
Ngoài ra, còn một quan điểm cho rằng Tôn Ngộ Không đi gặp Đông Hải Long Vương xin mưa thì công lao sẽ thuộc về mỹ hầu vương. Nếu Tiểu Bạch Long làm mưa thì tất cả công lao lại thuộc về con ngựa này. Tuy nhiên, đây chỉ là một suy đoán không căn cứ bởi Tề Thiên Đại Thánh tính tình cương trực, phóng khoáng, không bao giờ tính toán nhỏ nhặt như vậy.
Trên đây là 3 luận điểm giải thích cho câu hỏi tại sao Tôn Ngộ Không luôn phải chạy đi tìm các vị long vương tứ hải xin mưa chứ không để Bạch Long Mã làm điều này. Là fan của Tây Du Ký, liệu bạn còn ý tưởng nào khác để giải đáp cho câu hỏi này