Ông Keo Sareth, Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Campuchia (FFC), bày tỏ tiếc nuối khi đội tuyển nữ không thể góp mặt tại Asiad 19. Theo ông, do đội tuyển nữ đã tan rã sau SEA Games 32 nên Campuchia không thể cử đại diện đi tham dự môn bóng đá nữ tại Hàng Châu (Trung Quốc).
Có 3 vấn đề không thể tập trung đội tuyển, gồm chấn thương, thi cử và vấn đề gia đình. Sau SEA Games, một số cầu thủ bị chấn thương nặng nên cần được điều trị. Một số phải chuẩn bị thi tú tài, thi công chức và một phần cần phải học thêm. Vấn đề nữa là cha mẹ nhiều cầu thủ không cho phép họ đi huấn luyện xa nhà trong nhiều tháng.
Chính vì vậy, dù rất nỗ lực nhưng FFC đã phải chấp nhận một sự thật là họ không thể huy động đội tuyển nữ cho ASIAD 19, dẫn tới quyết định bỏ giải.
Việc đại diện Đông Nam Á bỏ giải khiến các đội bóng tham dự môn bóng đá nữ Á vận hội ít nhiều bị ảnh hưởng. Cụ thể, sẽ có bảng 4 đội tham gia nhưng có bảng chỉ còn 2. Ban tổ chức gặp không ít khó khăn trong việc thiết lập lại hệ thống thi đấu và lịch thi đấu.
BTC cũng đưa ra phương án cuối cùng là 2 đội còn lại trong bảng đấu gồm Triều Tiên và Singapore sẽ thi đấu với nhau hai trận để chọn ra đội dẫn đầu. Sự chênh lệch về đẳng cấp là điều thấy rõ và sẽ khiến 2 trận đấu ở bảng C trở thành cuộc dạo chơi của Triều Tiên.
Theo điều lệ giải, môn bóng đá nữ Asiad 19 sẽ có 5 đội dẫn đầu 5 bảng đi tiếp, bên cạnh đó là 3 đội nhì có thành tích tốt nhất (bảng C có 2 đội chỉ đội dẫn đầu đi tiếp).
Tại Asiad 19, tuyển nữ Việt Nam nằm ở bảng D với Nhật Bản, Nepal và Bangladesh. Theo lịch thi đấu bảng D môn bóng đá nữ Asiad 19, tuyển nữ Việt Nam sẽ có trận ra quân gặp Nepal vào 15h00 ngày 22/9.