Tử Cấm Thành hay còn có tên gọi khác là Cố Cung được biết đến là một trong những cung điện lớn nhất trên thế giới, trải qua 24 đời hoàng đế từ giữa nhà Minh đến cuối nhà Thanh.
Tử Cấm Thành cũng là nơi ẩn chứa vô vàn bí mật về cuộc sống của của các bậc đế vương cũng như chốn hậu cung.
Thậm chí có những địa điểm trong hoàng cung tráng lệ này gắn liền với nhiều điều kỳ bí và chưa được lý giải.
Một trong số đó có câu chuyện về những con sư tử đá bên trong Tử Cấm Thành. Phía bên trong cung thành nguy nga và tráng lệ có một cây cầu vòm bắc qua sông Kim Thủy có tên Đoạn Hồng Kiều.
Cây cầu này được xây dựng bằng đá và gây ấn tượng với các du khách bởi những hoa văn trang trí vô cùng tinh xảo và cầu kỳ.
Đáng nói, hai bên thành của cây cầu được trang trí bằng 34 con sư tử đá trong đó có một con được xem là 'hắc ám' mang đến những xui xẻo cho những ai đến gần hoặc chụp ảnh.
Theo đó, con sư tử đá bị cho là 'thần hắc ám' mang đến xui xẻo là con được tạc với tư thế đứng thẳng trên thành cầu bằng 2 chân sau.
Một chân của con sư tử này ôm lấy đầu trong khi chân còn lại ôm hạ bộ, gương mặt của con sư tử này dường như cho thấy nó đang chịu một nỗi đau vô cùng khủng khiếp.
Liên quan đến con sư tử đá kỳ lạ này có một giai thoại về hoàng đế Đạo Quang - vị vua thứ 8 của nhà Thanh.
Theo đó, vị hoàng đế này từng phải đau đầu với người con cả Dịch Vĩ do mải chơi mà không chăm lo học hành. Và để chấn chỉnh việc này, hoàng đế Đạo Quang đã mời một thầy giáo giỏi để dạy học cho vị hoàng tử này.
Tuy nhiên, với bản tính ham chơi và vô cùng nóng nảy của mình mà một lần vị hoàng tử này đã lớn tiếng và nói với thầy giáo rằng nếu câu lên ngôi hoàng đế thì kẻ đầu tiên bị giết chính là người thầy này.
Chuyện này đã đến tai hoàng đế và khiến nhà vua vô cùng tức giận. Trong lúc nóng giận, hoàng đế Đạo Quang đã đá mạnh vào người hoàng tử Dịch Vĩ và khiến cho con trai bị thương nặng, qua đời chỉ sau vài ngày.
Cái chết của hoàng tử khiến cho vị hoàng đế này vô cùng đau buồn và đến một ngày khi đi qua cây cầu Đoạn Hồng Kiều, thấy một con sư tử đá giống biểu cảm của hoàng tử Dịch Vĩ lúc chịu đòn, nên đã sai người lấy một tấm vải phủ lên tránh khiến ông nhớ đến người con đã mất.
Cũng từ đó về sau, nhiều lời đồn đại về con sư tử đá này được lan truyền khi nhiều người cho rằng đây là nơi linh hồn của vị hoàng tử xấu số trú ngụ. Do đó, không một ai dám lại gần hoặc chạm vào con sư tử đá vì lo sợ sẽ gặp điều xui xẻo.
Dù độ xác thực về câu chuyện sư tử đá ở Tử Cấm Thành đến nay vẫn chưa được xác nhận nhưng dưới góc nhìn của các chuyên gia, tư thế lạ của con sư tử đá trong số 34 con ở Tử Cấm Thành cũng là một trong những điều cần bàn đến.
Cụ thể, theo những gì được ghi chép trong Hán Thư, sư tử vốn là loại vật xuất hiện tại Trung Quốc như một cống phẩm bắt nguồn từ Tây Vực.
Tuy nhiên, do số lượng cống phẩm ít ỏi nên chỉ có hoàng đế cũng như quan triều đình hay hoàng thân quốc thích mới có cơ hội được tận mắt chiêm ngưỡng chúng.
Đối với các dân thường hay thợ thủ công thì sư tử là loại vật vô cùng xa lạ. Do đó, những hình ảnh hay bức tượng về sư tử đá ra đời từ các nghệ nhân dân gian cũng vì vậy mà không khỏi chủ quan, sáng tạo tự do, chủ yếu kết hợp đặc tính của mèo, hổ cũng như các loài vật khác nên thiếu đi sự hùng dũng, uy nghiêm của loài sư tử trong thực tế.
Ngoài ra, tính đến nay thời gian xây dựng công trình cầu Đoạn Hồng Kiều cũng chưa thực sự được xác định. Nhiều người cho rằng cây cầu này xuất hiện trước thời nhà Minh, có thể từ thời nhà Nguyên.
Theo chuyên gia điêu khắc có tên Lưu Vệ Đông thì các tác phẩm khắc đá dưới thời nhà Nguyên vô cùng sinh động khi sư tử đá thời kỳ này có phần đầu to, eo nhỏ nên dáng ngồi nhìn tựa như hình con ếch.
Không chỉ có những giai thoại về sư tử đá, Tử Cấm Thành cũng có nhiều câu chuyện kinh dị về giếng nước, tiếng khóc trong đêm khiến cho nhiều du khách đến đây không khỏi rùng mình.