Võ Tắc Thiên: Quyền lực đi cùng tai tiếng
Câu chuyện về những mỹ nam từng được Võ Tắc Thiên hết mực sủng ái đều có chung kết cục bi thảm khiến hậu thế không khỏi tò mò.
Võ Tắc Thiên (12/02/624 - 16/2/705) được biết đến là một phi tần của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, sau trở thành Hoàng hậu của Đường Cao Tông Lý Trị.
Sau khi Đường Cao Tông qua đời, võ Tắc Thiên đã trải qua các đời Đường Trung Tông và Đường Duệ Tông với các ngôi vị Hoàng Thái hậu và cuối cùng lên ngôi Hoàng đế duy nhất của triều đại Võ Chu (690 - 705) trở thành nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Hoa.
Trong suốt 15 năm cai trị, Võ Tắc Thiên đã có công trong việc mở mang lãnh thổ Trung Quốc, vươn sang Trung Á và hoàn thành cuộc cuộc chinh phục bán đảo Triều Tiên.
Ở thời Võ Tắc Thiên, bà khuyến khích phát triển Phật giáo và tập trung phát triển kinh tế - xã hội, duy trì sự ổn định trong nước.
Tuy nhiên do tư tưởng trọng nam khinh nữ, 'nam tôn nữ ti' của xã hội phong kiến cùng với tính cách độc ác và hà khắc của Võ Tắc Thiên trong việc cai trị khiến đông đảo cựu thần của nhà Đường không phục.
Việc Võ Tắc Thiên nắm quyền cai trị đã vấp phải sự phản ứng và chỉ trích mạnh mẽ của các nhà sử học Khổng giáo.
Họ thường so sánh bà với Lã hậu nhà Hán, Từ Hy thái hậu của nhà Thanh trong việc chuyên quyền và tàn độc nhưng các nhà sử học ở thập kỷ 1950 lại có cái nhìn khác về bà.
Trong cuốn Tư trị thông giám, sử gia Tư Mã Quang đã đánh giá bà là nhà lãnh đạo quyết đoán, có tài trị nước và ở thời Võ Tắc Thiên đã có được một hệ thống bình đẳng giới tốt hơn nhiều so với các đời Đường trước đó.
Võ Tắc Thiên được xem là hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử khi những vị đại hoàng hậu nổi tiếng từ thời cổ đại Trung Hoa như Tần Tuyên Thái hậu, Hán Lã hoàng hậu, Tây Tấn Giả Nam Phong, Tiêu Xước triều Liêu, và kể cả Từ Hy thái hậu nhà Thanh cũng chỉ có thể ở sau bức rèm để bàn chính sự và không một ai dám xưng đế như Võ hậu.
Sự độc nhất vô nhị của Võ Tắc Thiên thậm chí còn được đặc tả qua những câu chuyện về lối sống phóng túng của bà. Dù nhiều câu chuyện về bà là sự thật, cũng có phần do người đời sau thêm thắt mà không có ghi chép chuẩn xác.
Số phận bi thảm của 4 mỹ nam từng được Võ Tắc Thiên sủng ái
Cũng như những bậc quân vương thời kỳ phong kiến, Võ Tắc Thiên cũng có một dàn mỹ nam chốn hậu cung cho riêng mình.
Trong cuốn Cựu đường thư có ghi chép lại rằng 4 tình nhân nổi tiếng của Võ Tắc Thiên là Tiết Hoài Nghĩa, Trương Dịch Chi, Trương Xương Tông và Thẩm Nam Mậu.
Đây đều là những người rất đẹp trai và mạnh mẽ, đủ để thỏa mãn thú vui phóng túng của hoàng hậu này.
Tiết Hoài Nghĩa có tên là Phùng Tiểu Bảo, lần đầu y gặp Võ Tắc Thiên là khi bà 61 tuổi.
Nhờ sự tiến cử của Thái Bình Công Chúa mà Phùng Tiểu Bảo có được cơ hội thân cận bên Võ Tắc Thiên. Phùng Tiểu Bảo được mô tả là người có dáng người lực lưỡng và khuôn mặt rất đẹp. Võ Tắc Thiên vô cùng sủng ái và gọi Phùng Tiểu Bảo là chú để có cớ cho vào cung, bắt giả làm sư và ban cho tên mới là Hoài Nghĩa.
Sư Hoài Nghĩa được ra vào cung tự do, lên điện không chào và cũng chính là người dựng nên Minh Đường, tạo tác tượng Phật khổng lồ và một ngôi chùa đẹp để được vui lòng Võ Tắc Thiên.
Tuy nhiên, sau đó Võ Tắc Thiên có được Thẩm Thái y thì lại lạnh nhạt với Hoài Nghĩa, khiến gã tức giận nổi lửa và đốt cháy toàn bộ tượng và chùa.
Các quan thấy Võ Tắc Thiên đa dâm và lụy tình đều tiến cử con em, thậm chí chính mình để có cơ hội hậu hà Nữ hoàng nhằm kiếm lợi lộc.
Võ Tắc Thiên sau đó cũng lập ra Phụng Thần viện với danh nghĩa là nuôi chim hạc nhưng thực tế đây là nơi tập hợp các thanh niên tuấn tú khỏe mạnh nhằm thỏa mãn nhu cầu của bà.
Phụng Thần viện sau này trở thành dâm loạn nhất của chốn cung đình, những thanh niên bị thất sủng sẽ bị sát hại, diệt khẩu và ném xuống hồ. Sau này cháu nội của Đường Huyền Tông cho khai quật đã phát hiện hàng đống xương dưới hồ.
Mối tình giữa Thẩm Nam Mậu và Võ Tắc Thiên bắt nguồn sau một lần bà triệu thái y họ Thẩm vào cung để hỏi về thuốc giúp sung mãn chuyện chăn gối. Lúc này Thẩm Nam Mậu đã dâng phương thuốc có công hiệu và Võ Tắc Thiên cũng 'vừa mắt' với vị thái y này nên đã bắt ông phục vụ mình.
Điều đáng nói, dù bồi bổ thế nào thì Thẩm thái y cũng không đáp ứng nổi và cuối cùng chết vì lao lực.
Sau khi Thẩm thái y chết, công chúa Thái Bình đã tiến cử Trương Xương Tông có tài thổi sáo, rất đẹp trai có tài trong chuyện phòng the khiến Võ Tắc Thiên vô cùng hài lòng.
Trương Xương Tông nhân tiện cũng tiến cử luôn anh mình là Trương Dịch Chi vào hầu hạ và cả hai được phong chức tước cũng như bộc lộc vô cùng hậu hĩnh.
Sau khi Võ hậu lâm bạo bệnh, ngay cả Tể tướng Trương Giản Chi cũng không thể lại gần bà vì chịu sự ngăn cản của Trương Dịch Chi và Trương Xương Tông. Tuy nhiên, sau khi Võ hậu qua đời, do không còn ai hậu thuẫn nên anh em nhà họ Trương đã bị ám sát trong cuộc đảo chính của Trương Tể Tướng.
Vào năm 705, tể tướng Trương Giản Chi cùng các đại thần đã phát động binh biến, ép Võ hậu thoái ngôi cho Đường Trung Tông lên ngôi lần hai. Võ Tắc Thiên bị giam lỏng ở biệt cung cho đến khi qua đời không lâu sau đó ở tuổi 82.