Giới chức Nga thừa nhận rằng họ đã được Mỹ thông báo về cuộc tấn công tên lửa nhằm vào căn cứ không quân Syria, nhưng vì sao Moscow lại chịu "nhắm mắt làm ngơ" khi đồng minh ở Trung Đông chịu trận.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov xác nhận với hãng thông tấn Itar-Tass rằng Nga đã được thông báo trước về cuộc tấn công.
"Đúng, thông tin (về vụ tấn công) đã được cung cấp từ trước… thông qua các kênh hiện hành", ông Peskov nói.
Tuy nhiên, ông từ chối trả lời câu hỏi vì sao Nga không vào cuộc để ngăn chặn vụ tấn công của Mỹ.
Hãng CNN cũng nói rằng Nga đã được thông báo trước một giờ về vụ tấn công tối 6/4 vào căn cứ không quân Syria. Trong khi đó, Newsweek thì cho rằng, sự im lặng của ông Peskov đã cho thấy một chi tiết quan trọng đó là Nga không những có thể mà còn đủ khả năng ngăn chặn.
Tên lửa Tomahawk phóng từ tàu Mỹ. Ảnh: US Navy |
Vậy lý do gì khiến Nga chịu "khoanh tay ngồi nhìn" Syria bị tấn công?
Theo Newsweek, các cơ sở quân sự của Nga ở Syria được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 với khả năng đẩy lùi các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình cũng như các loại máy bay, bao gồm cả máy bay không người lái. Căn cứ quân sự của Syria ở Homs cũng nằm trong phạm vi hoạt động 400 km của S-400. Hiện quân đội Syria chưa có trong tay công nghệ phòng thủ hiện đại này, do vậy khi cuộc tấn công xảy ra, chỉ Nga mới có đủ khả năng để "đối chọi" với dàn tên lửa Tomahawk của Mỹ.
Tuy nhiên, theo chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin, Mỹ phóng ra tổng cộng 59 tên lửa và với số lượng lớn như vậy thì không thể bảo vệ căn cứ Shayrat bằng những phương tiện phòng không mà Nga và Syria sở hữu tại khu vực được nêu.
Theo ông, khoảng cách từ các tổ hợp tên lửa phòng không S-300VM và S-400 của Nga đặt tại hai căn cứ Tartus và Hmeymim đến Shayrat là gần 100 km. Tầm bắn tới các tên lửa hành trình bay thấp bị hạn chế chỉ vài chục cây số. Khả năng của các máy bay chiến đấu Nga có mặt ở Syria không đủ để đánh chặn cuộc tấn công lớn như vậy, tên lửa phòng không Syria lại yếu.
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga ở Syria. Ảnh: Sputnik |
Cũng theo chuyên gia này, vụ tấn công là một cách biểu dương sức mạnh của Trump với ông Tập Cận Bình khi nhà lãnh đạo Trung Quốc đang có chuyến thăm Mỹ. Ông chủ Nhà Trắng muốn chứng minh sự cứng rắn và cương quyết của ông.
Còn theo chuyên gia phân tích Alex Kocharov, S-400 hoàn toàn có khả năng đánh chặn các tên lửa của Mỹ phóng tới Syria nhưng quân đội Nga có lý do "chính trị" khi không làm vậy.
"Tôi nghĩ Nga đã chọn cách tránh đối đầu trực diện về quân sự với Mỹ, ngay cả khi cuộc đối đầu đó xảy ra trên lãnh thổ một nước thứ 3 như Syria, vì điều này có thể dẫn tới sự leo thang căng thẳng không thể kiểm soát được. Nga đã được Mỹ cảnh báo về vụ tấn công này từ trước, điều đó giải thích tại sao không có thương vong nào của Nga tại căn cứ không quân bị tấn công", chuyên gia Kocharov nhận định.
[mecloud]itFkhwsZo7[/mecloud]
Lê Huyền (tổng hợp)