Theo Reuters, AFP, tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ hôm 16/3, Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết sau hơn một tháng giảm, các ca Covid-19 đã bắt đầu tăng trở lại trên toàn cầu.
Ở khu vực Tây Thái Bình Dương, số trường hợp dương tính mới tăng 29%. Tây Thái Bình Dương đã vượt qua châu Âu về số ca mắc Covid-19 và trở thành điểm nóng dịch bệnh toàn cầu.
Nguyên nhân khiến số ca COVID-19 tăng trở lại được phía WHO nhận định là do sự kết hợp của các yếu tố như biến thể Omicron dễ lây lan và dòng phụ BA.2 của nó. Bên cạnh đó, việc nhiều nước dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch và tỉ lệ tiêm chủng thấp ở một số quốc gia góp phần làm số ca bệnh tăng.
Giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo tỷ lệ xét nghiệm đang giảm, có nghĩa số trường hợp dương tính mới được báo cáo chỉ là "phần nổi của tảng băng".
Đồng thời, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng lưu ý về tỷ lệ tử vong "cao đến không thể chấp nhận" ở nhiều quốc gia, đặc biệt các nơi có độ phủ vaccine thấp. Ông kêu gọi các quốc gia cảnh giác bởi đại dịch chưa kết thúc.
TS Maria Van Kerkhove, chuyên gia WHO, cho biết dòng phụ BA.2 của Omicron đang cho thấy là biến chủng dễ lây lan nhất hiện nay. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy BA.2 gây bệnh nặng.
Theo bà Van Kerkhove, nhiều quốc gia đã gỡ bỏ hầu hết hạn chế thời kỳ Covid-19, trong khi việc tiếp cận và sử dụng vaccine không đồng đều, khiến virus dễ lây lan hơn.
"Nhận thức sai lầm rằng Omicron là biến chủng nhẹ, rằng đại dịch đã kết thúc, đây có thể là biến chủng cuối cùng mà chúng ta phải đối phó. Điều này thực sự gây ra nhiều nhầm lẫn", bà cảnh báo.
Giáo sư miễn dịch học Antonella Viola, Đại học Padua, Italy, cho biết: “Tôi đồng ý với việc nới lỏng các hạn chế. Bởi chúng ta không thể coi đây là trường hợp khẩn cấp sau hai năm. Song, thế giới không thể cho rằng Covid-19 đã biến mất. Việc duy trì các biện pháp nghiêm ngặt, theo dõi liên tục ca mắc mới, đeo khẩu trang ở không gian kín hoặc nơi đông người là cần thiết”.