Cặp vợ chồng người Mỹ Jessie và Jacob Boeckmann đã đến Kiev vào tháng trước để chuẩn bị sinh con thông qua một người mang thai hộ Ukraine. Nhưng 2 ngày sau khi bé gái chào đời, Jessie tỉnh dậy vì tiếng pháo kích do xung đột Nga - Ukraine bắt đầu.
Họ đã cố gắng lái xe đến thành phố Lviv ở phía tây để đến Đại sứ quán Mỹ tạm thời. Chuyến đi bình thường chỉ mất 6 tiếng nhưng sự cố tắc nghẽn khiến họ mất 27 giờ bò trên đường.
Trên đường đi, họ nhận được tin đại sứ quán đã đóng cửa. Vì vậy, hai người đổi hướng tới biên giới Ba Lan trong lúc các phương tiện chiến đấu lao đi bên ngoài cửa sổ.
Cách biên giới khoảng 20km, giao thông ngưng trệ. Vào một ngày giá lạnh, sau nhiều giờ ngồi trong xe mà gần như không thể nhúc nhích, họ phải đưa ra chọn lựa là tiếp tục chờ đợi hay đi bộ.
"Chúng tôi quyết định đó là thời điểm ấm áp nhất trong ngày và là cơ hội duy nhất để đến biên giới trước khi màn đêm buông xuống là ra ngoài và đi bộ", Jacob nói với CNN. "Nỗi lo lớn nhất của chúng tôi với cô con gái 4 ngày tuổi chính là tình trạng hạ thân nhiệt. Trời thực sự rất lạnh. Nhưng chúng tôi cảm thấy nếu không hành động thì chẳng biết bao lâu nữa mới sang được bên kia".
Vì vậy, họ quấn chặt bé Vivian và bắt đầu lên đường. Cuối cùng khi họ đến biên giới, mọi thứ trở nên hỗn loạn, với "hàng nghìn hàng nghìn người, tất cả đều chen chúc cố gắng thoát khỏi đất nước", Jacob nói.
Vì phụ nữ và trẻ em đang được ưu tiên nên Jessie và em bé đã có thể lên hàng đầu và vào Ba Lan. Jacob đi riêng vài giờ sau đó.
Gia đình hiện đã về nhà ở California an toàn, nhưng họ biết bản thân đã vô cùng may mắn mới chạy thoát được.
Họ đã mất liên lạc với người mang thai hộ ở Ukraine từ đó đến nay. Mặc dù cặp đôi đã đi bộ 12km với cô con gái mới 4 ngày tuổi nhưng nhiều người trên khắp Ukraine đang "đi bộ xa hơn thế để đến biên giới", Jessie nói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động một chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ ngày 24/2 với mục tiêu bảo vệ người dân tại 2 nước cộng hòa là Donetsk và Lugansk, tiến hành phi hạt nhân hóa, phi phát xít hóa Kiev. Đến nay, 2 bên đã trải qua một vòng đàm phán nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng. Cộng đồng quốc tế đang kêu gọi cả Nga và Ukraine cùng kiềm chế, ngồi vào bàn đàm phán để lập lại hòa bình. Mỹ, EU và nhiều đồng minh đã áp đặt những lệnh trừng phạt lên Nga và hỗ trợ cho Ukraine kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu và tình hình đến nay chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
(Theo CNN)
>> Xem thêm: Giá gas châu Âu 'phi mã', cao nhất mọi thời đại do khủng hoảng Ukraine