Tin mới

Biển Đông: TQ thất bại có thể châm ngòi nhiều cuộc chiến pháp lý

Thứ năm, 14/07/2016, 16:43 (GMT+7)

Thất bại chấn động của Trung Quốc trong cuộc chiến pháp lý với Philippines về yêu sách lãnh thổ tại Biển Đông có thể khuyến khích các nước khác đệ đơn kiện nếu Bắc Kinh từ chối thỏa hiệp về việc tiếp cận khu vực giàu tài nguyên này.

Thất bại chấn động của Trung Quốc trong cuộc chiến pháp lý với Philippines về yêu sách lãnh thổ tại Biển Đông có thể khuyến khích các nước khác đệ đơn kiện nếu Bắc Kinh từ chối thỏa hiệp về việc tiếp cận khu vực giàu tài nguyên này.

Các tàu nạo vét của Trung Quốc được nhìn thấy hoạt động trái phép tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters

Reuters dẫn lời các chuyên gia pháp lý và an ninh cho biết có rất nhiều cách để kiện tụng mà các nước có thể theo đuổi, thay vì mạo hiểm với bất  cứ hành động nào có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng quân sự tại khu vực này.

Tòa trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague kết luận rằng Trung Quốc đã vi phạm các quyền chủ quyền và kinh tế của Philippines. Brunei, Indonesia, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam cũng còn chưa giải quyết được vấn đề tranh chấp tại Biển Đông.

Một tòa án với 5 thẩm phán đã bác bỏ "đường 9 đoạn" - yêu sách tới nay đã được 69 năm, tuyên bố tới khoảng 85% Biển Đông - nói rằng yêu sách này là bất hợp pháp theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNLCLOS).

Phán quyết này ràng buộc với Bắc Kinh và Manila nhưng nó cũng tạo ra một tiền lệ pháp lý bằng cách xác định rằng những quy tắc của UNCLOS được ưu tiên so với các yêu sách lịch sử của Trung Quốc. Theo các chuyên gia, điều này củng cố vị thế của bản công ước trong luật pháp quốc tế.

Gregory Poling, người đứng đầu cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) cho biết: "Nó sẽ tác động rất lớn tới luật học tương lai và tới tính hợp pháp được nhận thức của các yêu sách khác ở Biển Đông cũng như trên toàn thế giới".

Mặc dù Trung Quốc chối bỏ tòa Hague, nói rằng tòa không có quyền thực thi, nhưng ông Poling cho rằng phần lớn các phán quyết của tòa trọng tài quốc tế trong thế kỷ qua cuối cùng cũng được tôn trọng. "Tổn hại danh dự là vấn đề đặt ra cho các nước hiện nay".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết nhóm ASEAN đã đưa ra đề xuất theo dõi kép.

"Đây là tranh chấp có liên quan tại Biển Đông, nên được giải quyết bởi các bên liên quan trực tiếp, thông qua đàm phán trực tiếp và tham vấn", ông Lục nói với các phóng viên.

"Hòa bình và ổn định tại Biển Đông là để Trung Quốc và 10 nước thành viên ASEAN hiến thân để duy trì. Tôi tin suy nghĩ này, tinh thần cơ bản này vẫn là mong ước chung của Trung Quốc và hầu hết các nước trong khu vực".

Con đường luật pháp mở ra

Mỹ đã phát động chiến thuật ngoại giao thầm lặng để thuyết phục các nước xung quanh không được hành động gây hấn để lợi dụng phán quyết, một vài quan chức chính quyền Mỹ ngày 13/7 cho biết.

"Đây là cuộc kêu gọi các bên kiềm chế chứ không phải nỗ lực tập hợp các nước trong khu vực chống lại Trung Quốc, điều dẫn tới hiểu lầm là Mỹ đang cầm đầu một liên minh kiềm chế Trung Quốc", quan chức này nói thêm.

Có rất nhiều tòa án thay thế có sẵn. Ngoài tòa trọng tài PCA tại The Hague, các vụ kiện có thể được đệ trình lên tòa án tối cao của Liên hợp quốc, Tòa Công lý Quốc tế ICJ. Tòa này giải quyết các cuộc xung đột giữa các nước và thường xuyên giải quyết tranh chấp biên giới biển.

Ngoài ra còn có Tòa luật Biển Quốc tế tại Hamburg, cơ quan giám sát UNCLOS. Tòa này không xử vụ kiện của Philippines bởi không được ủy nhiệm.

Tác động đến Nhật Bản

Phán quyết của tòa trọng tài tại The Hague có những tác động tiềm ẩn tới Nhật Bản.

Chính phủ nước này đang chống lại lời kêu gọi từ đảng cầm quyền để đưa vụ một mỏ khí đốt tại biển Hoa Đông ra tòa. Mỏ này nằm giữa đường kiểm soát tách vùng đặc quyền kinh tế do Tokyo và Bắc Kinh tuyên bố.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã từ chối trả lời việc liệu phán quyết Biển Đông có khiến Nhật thay đổi quan điểm hay không. "Chúng tôi sẽ tiếp tục khẳng định các quyền của mình", ông nói với các phóng viên tại Tokyo.

Phán quyết này cũng có thể dẫn tới một thách thức pháp lý cho Nhật Bản đối với tình trạng của đảo Okinotori, một đảo san hô bỏ hoang nằm giữa Guam và Đài Loan, cách Tokyo khoảng 1.700 km.

Cả Trung Quốc và Đài Loan đều bàn cãi về yêu sách của Nhật Bản đối với một vùng đặc quyền kinh tế quanh đảo này - khu vực có thể chứa dầu mỏ, khoáng sản - nói rằng đây không được coi là một đảo.

Nhật Bản bắt đầu xây các nền tảng bê tông cốt thép trên rạn san hô chủ yếu bị ngập này vào năm 1987.

"Chúng tôi tin rằng Okinotori đáp ứng các tiêu chí của UNCLOS để được phân loại như một hòn đảo và do đó có vùng đặc quyền kinh tế", ông Suga nói.

Bảo Linh (Reuters)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: tòa trọng tài