Ngày 3/1, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh không kích, tiêu diệt Thiếu tướng Qassem Soleimani sau khi đoàn xe hộ tống ông và một số lãnh đạo dân quân thân Iran rời khỏi sân bay quốc tế Baghdad. Lãnh đạo Iran thề sẽ "trả thù khốc liệt". Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tin rằng chính quyền Iran sẽ không có động tĩnh gì trước khi trả đũa. Ngày 5/1, tại các thành phố lớn, hàng trăm ngàn người Iran đổ ra đường để tỏ lòng thương tiếc cho người anh hùng đã ngã xuống của họ.
Tổng thống Donald Trump đổ thêm dầu vào lửa bằng một dòng tweet đe dọa phá hủy các địa điểm văn hóa của Iran. Hầu hết các học giả pháp lý đều nói đây là một tội ác chiến tranh nếu như Iran tìm cách báo thù cho Soleimani.
Ngày 5/1, Iran đã đưa ra thông báo về việc nới lỏng những bổn phận của mình đối với thỏa thuận hạt nhân 2015. Chính quyền Iran nói rằng họ sẽ không còn tuân thủ những hạn chế đối với việc làm giàu uranium. Nhưng, Iran cũng tuyên bố sẽ quay lại các cam kết trước đó nếu như Mỹ rút khỏi các lệnh trừng phạt.
Hàng trăm ngàn người dân Iran đổ ra đường để bày tỏ lòng tiếc thương với Soleimani. Ảnh: AP
Chính quyền Iraq cũng có phản ứng dữ dội ngay sau cái chết của tướng Soleimani. Hôm 5/1, Quốc hội nước này đã bỏ phiếu để yêu cầu "trục xuất" quân đội Mỹ khỏi Iraq. Dù quyết định này không có hiệu lực ngay lập tức nhưng nó càng làm mạnh cơn bão tố mà chính quyền Trump phải đối mặt.
Dù sóng gió là vậy nhưng đối với Tổng thống Trump và một số cơ sở Chính sách đối ngoại của Washington thì cái chết của Soleimani vẫn có lợi. Theo lời Trump, Soleimani là "nhân vật khủng bố số một thế giới", là kẻ chủ mưu đứng sau một thế hệ chiến tranh bất đối xứng tại khu vực cũng như nhiều âm mưu chống lại Mỹ. Trong những cuộc họp báo ngắn, các quan chức Mỹ đã biện minh cho việc tiêu diệt Soleimani là một hành động răn đe dựa trên thông tin tình báo nói rằng ông này đang lên kế hoạch cho một số vụ tấn công có thể đe dọa đến lợi ích của Mỹ. Tuy nhiên, một số quan chức khác lại nói rằng ông Trump chọn tiêu diệt Soleimani để trả đũa việc dân quân thân Iran lục soát các bộ phận của Đại sứ quán Mỹ ở Iraq tuần trước.
Một mặt, chính quyền Trump tin rằng chiến dịch "áp lực tối đa" của họ chống lại Iran đang có hiệu quả và giết Soleimani sẽ làm tăng căng thẳng lên chính quyền Iran. Nhưng các hoạt động gây bất ổn của Iran tại khu vực chỉ tăng vọt trong những tháng gần đây. Các hoạt động ấy bao gồm tấn công những căn cứ của Mỹ tại Iraq, di chuyển tại vịnh Ba Tư và một cơ sở dầu mỏ tại Saudi.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố thế giới "an toàn hơn" sau cái chết của Soleimani, nhưng con đường phía trước vẫn vô cùng ảm đạm. Giữa cuộc khủng hoảng, Mỹ đã lệnh cho công dân của mình rời Iraq và dừng các chương trình hợp tác, huấn luyện quân sự với lực lượng an ninh Iraq. Việc đình chỉ các hoạt động trên có nguy cơ làm suy yếu nỗ lực đánh bại IS.
Đối với các quốc gia châu Âu, điều này có nghĩa là những dự đoán tồi tệ nhất của họ đang thành sự thật. Họ đã cảnh báo chính quyền Trump rằng việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ kích hoạt cho một chuỗi leo thang với Iran.