SEA Games 32 tại Campuchia đang đếm ngược từng ngày khởi tranh. Mọi công tác chuẩn bị của nước chủ nhà Campuchia đang được gấp rút hoàn thiện.
BTC nước chủ nhà Campuchia liên tục ghi điểm đối với truyền thông và các đoàn tham dự khi lần lượt miễn phí bản quyền truyền hình, vé xem các môn thi đấu cho khán giả (bao gồm cả bóng đá) và chi phí ăn ở, đi lại của các đoàn tham dự.
Mặc dù vậy, chủ nhà Campuchia cũng gây tranh cãi khi quyết định mở ra nội dung đồng đội hỗn hợp lần đầu tiên ở môn cầu lông và chỉ cho 5 nước tranh tài tại SEA Games 32.
Theo đó, môn cầu lông SEA Games 32 sẽ có thêm nội dung thi đấu đồng đội hỗn hợp. Đây là nội dung đã được chủ nhà thông qua theo điều lệ và quy định 5 nước tham gia là Campuchia, Lào, Brunei, Timor Leste và Myanmar.
Điều này nghĩa là cầu lông sẽ có thêm một bộ huy chương cho 5 nước kể trên tranh tài mà không vấp phải sự cạnh tranh lớn từ 6 quốc gia còn lại là Malaysia, Indonesia, Singapore, Philippines và Việt Nam.
Chia sẻ với giới truyền thông, ông Khoa Trung Kiên, trưởng bộ môn cầu lông Tổng cục TDTT cho biết: "Đây là lần đầu tiên nội dung này được đưa vào hệ thống thi đấu cầu lông ở một kỳ đại hội thể thao khu vực, châu lục và Olympic.
Trước đó, môn cầu lông của châu Á và thế giới cũng đã có nội dung này. Bản chất là đánh 5 trận thắng 3, gồm đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ và đôi nam nữ".
Campuchia cũng không bỏ nội dung phổ biến nào như đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ, đồng đội nam, đồng đội nữ. Ở SEA Games tới, mục tiêu của cầu lông Việt Nam là giành từ 1 tới 2 HCĐ nên việc không thể dự nội dung đồng đội hỗn hợp này chưa làm ảnh hưởng nhiều tới kế hoạch và mục tiêu của đội tuyển cầu lông.
Trước khi tham dự SEA Games 32, đoàn cầu lông Việt Nam sẽ tranh tài ở giải cầu lông vô địch châu Á tại Dubai (UAE). 8 VĐV tham dự là Nguyễn Hải Đăng, Nguyễn Thùy Linh, Nguyễn Đình Hoàng, Trần Đình Mạnh, Đinh Thị Phương Hồng, Phạm Thị Khánh, Phạm Văn Hải, Thân Vân Anh.
Ảnh: Tổng hợp