Tin mới

Đội nhà không thắng, truyền thông Nhật Bản quay sang chỉ trích khán giả Việt Nam

Thứ tư, 30/03/2022, 18:03 (GMT+7)

ĐT Nhật Bản đã không thể đánh bại được thầy trò HLV Park Hang-seo dù được chơi trên sân nhà. Tuy nhiên, sau khi trận đấu kết thúc thay vì đả kích đội nhà, truyền thông Nhật Bản lại bất ngờ hướng sự chỉ trích vào CĐV Việt Nam.

Tối ngày 29/3, đội tuyển Việt Nam đã xuất sắc cầm hòa 1-1 trước Nhật Bản trong trận đấu cuối cùng tại vòng loại 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Mặc dù chỉ có khoảng 3000 người nhưng CĐV Việt Nam vẫn đủ sức phủ đỏ một góc khán đài sân Saitama để tiếp thêm tự tin cho thầy trò HLV Park Hang-seo.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý và khiến rất nhiều người bất ngờ đó là tấm ‘biển cấm’ được viết bằng tiếng Việt xuất hiện tại sân. BTC nước chủ nhà Nhật Bản đã cho nhân viên an ninh cầm biển có biểu tượng cấm ca hát. Thậm chí, dòng thông báo trên tấm biển cũng được chủ nhà Nhật Bản viết bằng tiếng Việt: "Cấm cổ vũ bằng tiếng nói như ca hát, v.v..., huýt sáo bằng tay".

CĐV Việt Nam bị cấm cổ vũ bằng tiếng nói trên SVĐ Saitama. Ảnh: Internet
CĐV Việt Nam bị cấm cổ vũ bằng tiếng nói trên SVĐ Saitama. Ảnh: Internet

Theo báo chí Nhật Bản, việc đặt những biển cấm trên để phòng ngừa dịch Covid-19. Đây là lần đầu tiên tuyển Nhật Bản đá ở sân nhà mà không giới hạn lượng CĐV vào sân kể từ dịch bệnh bùng phát.

Tuy nhiên, trong một ngày mà ĐT Việt Nam thi đấu thăng hoa, những biển cấm này khó có thể phát huy tác dụng với CĐV Việt Nam. Chính vì vậy, hàng loạt tờ báo xứ sở hoa anh đào đã chỉ trích các CĐV Việt Nam sau trận đấu. Theo tờ Mainichi viết: "Các CĐV Việt Nam đã hò reo vang dội cả một góc khán đài mỗi khi đội tuyển của họ có cơ hội".

CĐV Việt Nam ngồi ở một góc khán đài vẫn hát vang quốc ca trước khi trận đấu bắt đầu. Ảnh: Internet
CĐV Việt Nam ngồi ở một góc khán đài vẫn hát vang quốc ca trước khi trận đấu bắt đầu. Ảnh: Internet

Trong khi đó, tờ Chunichi (Nhật Bản) giật tít: "CĐV Việt Nam không để ý tới biển cấm và cổ vũ hết sức để tiếp lửa cho đội bóng của mình".

"Các CĐV Việt Nam ngồi ở một góc khán đài và hát vang quốc ca trước khi trận đấu bắt đầu. Họ cũng hò reo cổ vũ đội tuyển của mình trong suốt trận đấu”.

“Việc cấm ca hát, gây ồn áo, huýt sáo… đã bị cấm như một phần của biện pháp phòng chống Covid-19. Tuy nhiên, các CĐV Việt Nam tỏ ra hưng phấn trong suốt trận đấu. Mặc dù có những biển báo bằng tiếng Anh và tiếng Việt nhưng các CĐV Việt Nam vẫn gây ồn ào".

Tờ Hochi thì cho biết ở thời điểm trọng tài tham khảo lại bàn thắng của Tanaka qua công nghệ VAR ở phút 70, các CĐV Việt Nam trên khán đài đã không ngừng hò hét với hy vọng bàn thắng này bị từ chối. "Cầu thủ của tuyển Nhật Bản, Maya Yoshida đã ra dấu hiệu cho các CĐV Việt Nam ngừng gây ồn ào nhưng không có hiệu quả".

Tình yêu của CĐV Việt Nam cho đội nhà là rất lớn. Ảnh: Internet
Tình yêu của CĐV Việt Nam cho đội nhà là rất lớn. Ảnh: Internet

Thực tế, việc Nhật Bản cho phép CĐV vào sân không giới hạn nhưng lại áp dụng những biện pháp phòng dịch: cấm ca hát, gây ồn áo, huýt sáo.. là điều rất bất hợp lý ở một trận đấu bóng đá. Bởi vậy, khó có thể trách CĐV Việt Nam khi họ có những hành động thể hiện tình yêu với đội bóng quê hương.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news