BÀI VIẾT TIẾT LỘ NỘI DUNG PHIM!
Những bản nhạc đầy "tình" và "thơ" của Trịnh Công Sơn
Từ khi dự án phim về cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mang tên "Em và Trịnh" được công bố, nhiều người không khỏi kỳ vọng về một sản phẩm điện ảnh mang đến cái nhìn toàn cảnh về cuộc đời của vị nhạc sĩ tài ba làng tân nhạc Việt. Và không phụ sự kỳ vọng đó, "Em và Trịnh" không chỉ phác thảo về cuộc đời thăng trầm của một nghệ sĩ mà còn mang đến nhiều hơn thế - đó là những dòng cảm xúc hỗn độn với nỗi buồn phảng phất cùng những dư vị tình yêu say đắm.
"Em và Trịnh" mở đầu với mốc thời gian là năm cuối cùng của thập niên 80. Thời điểm đó nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã ngoài 40 tuổi, mối duyên với cô gái trẻ người Nhật Bản Michiko cũng bắt đầu khi cô dành tình yêu đến văn hóa Việt Nam và âm nhạc Trịnh Công Sơn, tìm đến ông để thực hiện đề tài cao học nghiên cứu về âm nhạc phản chiến của vị nhạc sĩ.
Thông qua những hồi tưởng về một thời thanh xuân, thực tại - quá khứ đan xen đã góp phần mang đến bức tranh tổng thể về cuộc đời của Trịnh Công Sơn cùng với những tác phẩm của ông. Ở đó, ta thấy những rung động đầu đời khiến tâm hồn của vị nhạc sĩ trở nên nhạy cảm vô cùng. Sự nhạy cảm ấy cũng trở thành nguồn cảm hứng cho hàng loạt tình khúc bất hủ ra đời. Đó là những bản nhạc "tình" mang đậm thổn thức dành cho những nàng thơ đi qua đời ông, là "Diễm xưa" đầy da diết, là "Ướt mi" nhói lòng, là "Còn tuổi nào cho em" nhớ nhung hay là "Em còn nhớ hay đã quên" đầy hồi tưởng...
Chất "tình" trong "Em và Trịnh" còn len sâu vào trong tâm tư khán giả qua những lá thư Trịnh Công Sơn gửi tới Dao Ánh, là những tâm tư, nỗi nhớ nhung mà vị nhạc sĩ giải tỏa qua những khuông nhạc, những lời tâm sự với các tri kỉ của cuộc đời mình.
Cùng với những chuyện tình được viết nên bằng chất nhạc, chất "thơ" trong "Em và Trịnh" cũng xuyên suốt tác phẩm, được cài cắm trong suy tư của người nhạc sĩ từ khi thanh xuân đến khi mái tóc đã bắt đầu ngả màu. Chất thơ ấy phảng phất trong từng lời hát, được điểm xuyến trong tâm trí luôn mang sự nhạy cảm của thời đại, của hoàn cảnh.
Cứ thế, cứ thế, bản điệp khúc cuộc đời của vị nhạc sĩ được ngân vang trong từng hồi kể để rồi mang đến nhiều cảm xúc lẫn lộn cho khán giả.
Điệp khúc cuộc đời của Trịnh Công Sơn ngân vang những tình cảm vượt khuôn khổ tình yêu
Ở "Em và Trịnh", đạo diễn Phan Gia Nhật Linh không chỉ kể câu chuyện về tình yêu, ở đó còn có tình bạn khi nhóm bạn thời hoa niên của Trịnh Công Sơn cũng được nhắc đến. Nhóm bạn văn nghệ sĩ thời hoa niên của vị nhạc sĩ với "căn cứ" được mang Tuyệt tình cốc là nơi để những con người lãng mạn thể hiện tâm tình, phác thảo tình yêu của mình qua những nét vẽ hay qua những sáng tác. Cũng chính những người bạn này đã góp phần không nhỏ mang đến hơi thở của thanh xuân, ảnh hưởng đến những tư tưởng của vị nhạc sĩ tài ba.
Điệp khúc về cuộc đời của Trịnh Công Sơn còn được ngân nga những giai điệu về tình mẹ, về hình ảnh gia đình. Đan xem giữa quá khứ và thực tại, hình ảnh gia đình được xuyên suốt trong "Em và Trịnh" để rồi khán giả thấy được tình cảm lớn lao mà Trịnh Công Sơn dành cho mẹ, cho các em của mình.
Cũng thông qua bản điệp khúc đầy thăng trầm của cuộc đời Trịnh Công Sơn, những thước phim tài liệu về một thời chiến tranh chống Mỹ được lồng ghép một cách khéo léo. Âm nhạc phản chiến, mang tính thời đại của Trịnh Công Sơn trong "Em và Trịnh" vì thế cũng mang đến những tiếng nhạc hào hùng, góp thêm một giai điệu trong bản điệp khúc cuộc đời của Trịnh Công Sơn.
Chưa dừng lại ở đó, những nỗi đau của chiến tranh, sự thảm khốc một thời mà người dân Việt Nam đã phải trải qua thông qua những thước phim càng khiến khán giả thêm trân trọng hơn hai 2 từ "hòa bình".
Những chất liệu làm nên điệp khúc cuộc đời Trịnh Công Sơn trong Em và Trịnh
Để tạo nên những dòng cảm xúc trong "Em và Trịnh", chất liệu không thể thiếu cho bản điệp khúc được ngân nga trong 136 phút đó chính là dàn diễn viên. Với cách kể chuyện đan xen giữa thực tại và quá khứ, NSƯT Trần Lực đã lột tả thành công hình ảnh của người nghệ sĩ U40 chất chứa nhiều tâm tư nhưng vẫn luôn thổn thức trong tình yêu, nhạy cảm với cuộc đời. Avin Lu cũng đã rất tròn vai trong cách truyền tải hình ảnh thời niên thiếu nồng nhiệt với trái tim yêu đương của vị nhạc sĩ tài ba.
Tuy nhiên, đáng kể nhất trong diễn xuất của "Em và Trịnh" phải kể đến vai diễn Dao Ánh hiền hòa, dịu dàng do Hoàng Hà đảm nhiệm và vai Lệ Mai bất cần, trải đời do Ca sĩ Bùi Lan Hương thể hiện.
Điểm nhấn đặc sắc nhất định phải kể đến của "Em và Trịnh" chính là phần âm nhạc. Qua bàn tay của nhạc sĩ Đức Trí, những sáng tác bất hủ của Trịnh Công Sơn vang lên ở từng bối cảnh, từng câu chuyện đã tạo nên linh hồn của tác phẩm, là điểm cộng xuất sắc nhất chứng minh cho sự chỉn chu của nhà sản xuất khi kể bộ phim về cuộc đời Trịnh Công Sơn.
Sở hữu nhiều điểm cộng cho một tác phẩm điện ảnh Việt, thế nhưng "Em và Trịnh" vẫn tồn tại những nhược điểm mà có lẽ khán giả dễ dàng nhận ra. Vì hạn chế thời lượng với quá nhiều câu chuyện được kể mà khiến mạch phim không đều. Có những khi hồi ức đi quá nhanh, khiến câu chuyện, lời kể không đọng lại trong lòng khán giả. Có những khi mạch phim lại đi quá chậm làm bỏ lỡ những dòng cảm xúc chưa được kể hết.
Song không thể phủ nhận, "Em và Trịnh" là tác phẩm đắt giá ở thời điểm hiện tại của màn ảnh Việt. Dù ít, dù nhiều, tác phẩm đã đủ sức đưa khán giả đi đến những cảm xúc nồng nhiệt, nhớ nhung trong tình yêu, những đau xót trong bối cảnh chiến tranh một thời. "Em và Trịnh" vẫn vô cùng xứng đáng để khán giả dành ra 136 phút của cuộc đời lắng nghe bản điệp khúc đầy màu sắc và cảm xúc về người nhạc sĩ tài ba Trịnh Công Sơn.
Ảnh: Internet