Vào ngày 18/6 tới đây, Minh Hằng sẽ tổ chức đám cưới hoành tráng cùng bạn trai doanh nhân sau 6 năm gắn bó. Thiệp cưới đã được gửi đến bạn bè, người thân của cô cùng địa điểm, thời gian rõ ràng. Trong thiệp cưới có kèm theo một số quy định cho khách mời: Đến sớm về muộn, mặc đồ mặc dresscode với tông tối màu như nude, nâu, xanh navy để chụp hình, mang thiệp mời để có yếu tố nhận diện, không mang giày cao gót… Bên cạnh đó, Cộng đồng mạng còn chú ý khi trong thiệp cưới còn có thêm phần lưu ý không dắt theo trẻ em "vì đây là tiệc người lớn".
Việc đám cưới tại Việt Nam được tổ chức với yêu cầu không xuất hiện trẻ em đến nay vẫn còn là điều mới lạ và nhận về không ít phản đối từ phía dư luận. Trước đó, vào năm 2019, Cường Đô La và Đàm Thu Trang cũng đã tổ chức đám cưới đình đám và đưa ra quy định không mời trẻ em dưới 5 tuổi khiến cộng đồng mạng cũng chú ý tới.
Khi ấy, nhiều người cho rằng cặp vợ chồng đang làm quá vấn đề, thậm chí có thái độ xem thường trẻ em. Giải thích cho yêu cầu không phục vụ trẻ em dưới 5 tuổi của mình, đại diện phía Đàm Thu Trang đã cho biết lễ cưới của cặp đôi này có nhiều thiết bị điện, nhà hàng lại không có nhiều người để quản lý, vì vậy cấm trẻ nhỏ dưới 5 tuổi là để đảm bảo an toàn cho chính các em.
Cũng có một số ý kiến khác nhận định rằng đám cưới của giới nhà giàu như Cường Đô La hay ông xã Minh Hằng sẽ có sự xuất hiện của nhiều khách mời là doanh nhân, đối tác thương mại, vì vậy họ sẽ cần đảm bảo tính long trọng, quy củ, sang trọng trong suốt quá trình làm lễ.
Thực tế, trào lưu cấm trẻ em xuất hiện tại đám cưới đã khá phổ biến ở nước ngoài vì lý do an toàn, tiết kiệm chi phí, tránh ồn ào cho gia chủ... Tuy nhiên, không chỉ ở Việt Nam mà tại chính nước ngoài thì việc “có nên đón tiếp trẻ em trong đám cưới hay không” cũng là một vấn đề gây tranh cãi.
Trước đó, trường hợp của một cô nàng 28 tuổi tại Nam Carolina, Mỹ đã gây chú ý. Khi đó, Samantha là cô dâu của đám cưới nhưng vợ chồng cô lại không muốn có con, hy vọng buổi lễ của mình là bữa tiệc vui nhộn thay vì giống tổ chức sinh nhật cho một đứa trẻ. Vì vậy, cô muốn các vị khách có thể thoát khỏi nghĩa vụ làm cha mẹ trong một đêm, vì vậy không mời trẻ em tới đám cưới của mình.
Không chỉ ở các nước châu Âu mà nhiều quốc gia châu Á cũng có quy định rõ ràng về khu vực hạn chế trẻ em, không chỉ trong đám cưới mà còn tại nhiều địa điểm công cộng khác như nhà hàng, quán cà phê… Thực tế, tại Hàn Quốc, theo 1 cuộc khảo sát vào tháng 12/2021, Hankook Research đã chỉ ra rằng có tới 71% người lớn đồng tình với "khu vực cấm trẻ em".
Tại Việt Nam, văn hóa về “khu vực không trẻ em” vẫn còn khá mới lạ. Cha mẹ muốn con đến những nơi đông người, để trẻ được học hỏi kỹ năng ứng xử, văn hóa xã hội, kết nối cảm xúc với người xung quanh. Đồng thời việc cho trẻ đến những nơi đông đúc như đám cưới còn là cách để lưu giữ kỷ niệm thời thơ ấu, nhận diện họ hàng trong gia đình, biết cách ứng xử văn minh từ khi còn nhỏ.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, khi bố mẹ dẫn con đến các sự kiện quan trọng, có nhiều hoạt động thì cũng cần luôn để mắt và ở bên cạnh con, không để trẻ tự do “muốn làm gì thì làm”, phá hỏng không khí của buổi tiệc. Đồng thời, việc rèn cho con một tinh thần trách nhiệm, lịch sự khi tham gia các buổi tiệc cũng là điều cần thiết.
Trẻ con thường mải chơi, dễ quên lời cha mẹ, đi linh tinh và tò mò những thứ mới mẻ, vì vậy cha mẹ cần thường xuyên nhắc nhở con cái với thái độ thân thiện và khuyến khích để trẻ rèn luyện kĩ năng sống trong tương lai.
Ảnh: Tổng hợp