Việc nêm thừa muối khi nấu ăn sẽ khiến món ăn không còn ngon, hấp dẫn. Nếu bạn trót bỏ dư muối, hãy thử áp dụng một trong những cách sau để khiến món ăn trở nên thơm ngon, bớt mặn.
Dùng giấm hoặc chanh tươi
Việc bạn cho giấm hoặc chanh tươi, quất không chỉ có tác dụng giảm vị cay mà chúng cũng có thể làm giảm vị mặn trong món ăn. Tuy nhiên khi “chữa cháy”, bạn cần nêm giấm hoặc chanh tươi từ từ để điều chỉnh hương vị cho phù hợp, tránh khiến món ăn trở nên “lố vị”. Ngoài ra, những món có sữa cũng không thể áp dụng cách này bởi tính axit trong giấm và chanh sẽ làm sữa bị kết tủa, phá hỏng món ăn.
Dùng lòng trắng trứng
Đối với các món canh, món súp, bạn có thể bỏ thêm lòng trắng trứng gà còn nguyên, không đánh tan để giảm bớt vị mặn. Với cách này, bạn có thể thả lòng trắng trứng vào nồi nước đang sôi 5 phút rồi vớt ra. Chất albumin của lòng trắng sẽ hấp thụ phần muối thừa, canh nhờ đó mà nhạt, dễ ăn hơn. Tùy vào lượng thức ăn mà bạn nên sử dụng số lượng lòng trắng trứng cho phù hợp.
Mật ong, đường
Mật ong làm giảm vị mặn và còn giúp tăng hương vị cho món ăn. Bạn nên cho từng thìa nhỏ mật ong vào món ăn để tiện nêm nếm và điều chỉnh hương vị. Nếu nhà bạn không thích vị của mật ong thì thêm đường trắng cũng là 1 sự lựa chọn giúp cân bằng hương vị cho món ăn.
Dùng khoai tây
Những món kho, món súp bị mặn thì có thể chữa cháy bằng khoai tây. Bạn nên thêm những lát khoai tây sống vào nồi và đun trong 15 phút. Khoai tây sẽ rút vị mặn trong món kho, món súp rất hiệu quả lại khiến món ăn thêm đậm đà.
Dùng cà chua
Cà chua khiến hương vị của món ăn được cân bằng, giảm vị mặn. Bạn chỉ cần thái cà chua lát dày rồi ngâm 15 - 20 phút trong món ăn để giảm vị mặn. Tuy nhiên, cà chua không hiệu quả bằng các cách đã nêu ở trên.
Ảnh minh họa