Mục đích của thỏa thuận là hợp tác với các đối tác quốc tế để giúp lục địa này không còn phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga. Theo thỏa thuận, các nước thành viên EU sẽ nỗ lực để đảm bảo nhu cầu 50 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ ít nhất cho đến năm 2030. Trong những năm qua, việc nhập khẩu LNG từ Nga vào khoảng 14 tỷ đến 18 tỷ mét khối hàng năm.
Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen sẽ công bố hiệp ước, trong đó có việc thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung trước khi xuất hiện cùng nhau tại Brussels. Trước đó, ông Biden đã nhóm họp với NATO, G7 và các nhà lãnh đạo EU.
Vấn đề rất quan trọng vì Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất của EU, chiếm hơn 40% kim ngạch nhập khẩu. Bên cạnh đó, châu lục này còn phụ thuộc cả than đá và dầu mỏ từ Nga. Họ gặp nhiều khó khăn để không còn phụ thuộc năng lượng vào Moscow.
Tại Berlin, Đức đã công bố kế hoạch giảm đáng kể nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga và sẽ gần như độc lập hoàn toàn với khí đốt của Nga vào giữa năm 2024. Hiện tại, các khách hàng châu Âu đang cạnh tranh với các nước châu Á về nguồn cung LNG hạn chế trên thế giới.
Lực lượng đặc nhiệm chung do một đại diện của Nhà Trắng và Ủy ban châu Âu chủ trì. Mục tiêu chính của họ là đa dạng hóa nguồn cung cấp LNG phù hợp với nỗ lực chống biến đổi khí hậu và cắt giảm nhu cầu khí đốt tự nhiên. Nó sẽ “hoạt động để đảm bảo an ninh năng lượng cho Ukraine và EU để chuẩn bị cho mùa đông tới và mùa đông tiếp theo, đồng thời hỗ trợ mục tiêu của EU là chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga”.
EU đang đặt mục tiêu thay thế gần 2/3 tổng lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong năm nay. Con số này vào năm ngoái lên tới 155 tỷ mét khối sau khi cuộc chiến do Tổng thống Vladimir Putin tiến hành đã buộc khối này phải suy nghĩ chiến lược năng lượng của mình.
(Theo Bloomberg)
>> Xem thêm: Tổng thống Ukraine trách EU trừng phạt Nga 'hơi muộn'