Hôm 24/3, AAP dẫn lời Tổng thống Nga - Vladimir Putin nói rằng, Nga sẽ tìm cách thanh toán bằng đồng rúp cho việc bán khí đốt cho các nước "không thân thiện”. Nếu muốn mua khí đốt của Nga thì phải mua nội tệ của Nga.
"Tất nhiên, Nga sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt tự nhiên theo khối lượng và giá cả... đã được ấn định trong các hợp đồng đã ký trước đó", ông Putin nói tại cuộc họp trên truyền hình với các bộ trưởng hàng đầu của chính phủ.
Theo ông chủ Điện Kremlin, những thay đổi sẽ chỉ ảnh hưởng đến đơn vị tiền tệ thanh toán, sẽ được đổi thành đồng rúp của Nga.
Tổng thống Vladimir Putin giải thích rằng Nga có kế hoạch từ bỏ tất cả các loại tiền tệ có thể gây tổn hại cho mình trong các thanh toán như vậy. Theo ông Putin các quyết định bất hợp pháp của một số nước phương Tây nhằm đóng băng tài sản của Nga đã phá hủy mọi niềm tin vào tiền tệ của họ.
Phát ngôn này khiến giá khí đốt của châu Âu tăng vọt do lo ngại động thái này sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng trong khu vực.
Mỹ và các nước châu Âu đã áp đặt trừng phạt nặng nề lên Nga kể từ khi Moscow điều quân đội đến Ukraine ngày 24/2. Song, châu Âu phụ thuộc nặng nề vào khí đốt từ Nga để sưởi ấm và phát điện, và EU hiện đang chia rẽ về việc có nên trừng phạt ngành năng lượng của Nga hay không.
Khí đốt của Nga chiếm hơn 40% tổng lượng tiêu thụ của châu Âu. Nhập khẩu khí đốt từ Nga của EU trong năm nay biến động từ 200 đến 800 triệu euro (tương đương 880 triệu USD) mỗi ngày.
Sau động thái bất ngờ trên, đồng ruble đã tăng vọt lên. Cụ thể, tại Moscow đồng ruble tăng 6% lên đóng cửa ở mức 97,73 ruble/USD sau khi có lúc vọt lên 94,98 ruble/USD, mức cao nhất kể từ ngày 2/3.
Trên nền tảng EBS, đồng nội tệ của Nga tăng 8,8% lên đóng cửa ở mức 96,5 ruble/USD. Cả 2 mức giá đóng cửa đều là mức cao nhất kể từ tháng 2. So với đồng euro, đồng ruble tăng 6% lên 108,01 ruble/euro tại thị trường Moscow.