Ngày 18/4, quân đội Mỹ cho biết Lầu Năm Góc dự định tổ chức huấn luyện cho binh sĩ Ukraine để họ sử dụng được pháo bức kích và radar trong các lô vũ khí và thiết bị mới nhất mà chính quyền Joe Biden gửi cho Kiev. Khóa huấn luyện này sẽ diễn ra ở một quốc gia thứ ba.
Tuần trước, Mỹ tuyên bố sẽ gửi lô vũ khí trị giá 800 triệu USD cho Ukraine. Ngoài tên lửa chống tăng và phòng không, lô hàng này còn có xe bọc thép, pháo và radar chiến thuật. Đây là những thứ mà người Ukraine cần học cách sử dụng.
Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên nói với các phóng viên rằng Lầu Năm Góc đang có kế hoạch dạy cho các huấn luyện viên Ukraine cách sử dụng vũ khí mới trong những ngày tới tại một quốc gia thứ ba chưa xác định. Bằng cách này, người Ukraine sẽ huấn luyện lại cho đồng nghiệp cách sử dụng vũ khí Mỹ còn Washington thì không cần "đặt chân lên đất" Ukraine.
Trước đó, Lầu Năm Góc tiết lộ một số binh sĩ Ukraine tại Mỹ đã được huấn luyện cách sử dụng máy bay không người lái Switchblade. Có 300 chiếc trong lô hàng vũ khí lần này.
Trong số các loại vũ khí viện trợ được chính quyền Biden công bố tuần trước có thêm 500 tên lửa chống tăng Javelin, 500 tên lửa phòng không Stinger, 10 radar phản pháo, 2 radar giám sát hàng không, 200 xe bọc thép chở quân, 100 xe bọc thép Humvee, 18 pháo kích 155mm và khoảng 40.000 viên đạn. Cho đến nay, 4 chuyến bay chở vũ khí đã được gửi đến Ukraine, quan chức này tiết lộ.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết máy bay chiến thuật của họ đã tấn công 22 trận địa pháo của Ukraine chỉ riêng trong ngày 18/4. Kiev đã mất hơn 1.000 khẩu pháo dã chiến và 250 bệ phóng tên lửa kể từ 24/2.
Nga cũng nhắm vào các lô hàng vũ khí của NATO gửi đến Ukraine. Sáng hôm qua, một cuộc tấn công bằng tên lửa nhắm vào trung tâm logistic ở Lvov đã phá hủy "các lô hàng vũ khí nước ngoài lớn được Mỹ và các nước châu Âu chuyến tới Ukraine trong 6 ngày qua", phát ngôn viên quân đội Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov nói.
Ngày 16/4, Nga đã bắn rơi một vận tải cơ của Ukraine gần Odessa. Đây là chiếc máy bay vận chuyển vũ khí mà các nước phương Tây cung cấp cho Ukraine.
Nga đã tấn công nước láng giềng vào cuối tháng 2 sau khi Ukraine không tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận Minsk ký năm 2014 và Moscow công nhận 2 nước cộng hòa Donetsk, Lugansk. Thỏa thuận Minsk, do Đức và Pháp làm trung gian được thiết kế để trao cho các vùng ly khai địa vị đặc biệt ở Ukraine.
Kể từ đó, điện Kremlin yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập, sẽ không bao giờ gia nhập NATO. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác những tuyên bố về kế hoạch chiếm 2 nước cộng hòa bằng vũ lực.
>> Xem thêm: Zelensky: Ukraine không từ bỏ lãnh thổ, sẵn sàng chiến đấu với Nga trong 10 năm