Tin mới

Tại sao Mỹ, NATO rót bộn tiền cho Ukraine nhưng quyết không lập vùng cấm bay?

Thứ ba, 08/03/2022, 19:06 (GMT+7)

Mỹ và các đồng minh NATO đã nhiều lần khẳng định đặt vùng cấm bay ở Ukraine có thể dẫn đến xung đột trực tiếp với Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi NATO đặt vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine để hạn chế những cuộc tấn công từ các chiến đấu cơ của Nga. Tuy nhiên, yêu cầu này đã bị phương Tây kiên quyết từ chối mặc dù thiệt hại từ xung đột ngày càng tăng lên.

Các nhà lãnh đạo hàng đầu NATO đã nhiều lần bác bỏ điều này. Họ nói rằng việc đặt một vùng cấm bay tại Ukraine có thể đẩy liên minh này tới cuộc đối đầu trực tiếp với Moscow. Các chuyên gia cho biết NATO sẽ khó lòng thay đổi quyết định về vấn đề này bởi khi lập vùng cấm bay, liên minh sẽ phải tiếp quản cuộc không chiến mà Ukraine đang thực hiện.

Các chiến đấu cơ trên tàu sân bay USS Harry S. Truman. Ảnh: NBC
Các chiến đấu cơ trên tàu sân bay USS Harry S. Truman. Ảnh: NBC

Ngày 6/3 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nhắc lại quan điểm của NATO đó là Tổng thống Joe Biden đã nói rất rõ rằng chính quyền sẽ không đẩy Mỹ vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga.

Vùng cấm bay là gì?

Vùng cấm bay sẽ ngăn một nước sử dụng chiến đấu cơ để tấn công các mục tiêu quân sự hoặc dân thường trên mặt đất, nhưng chỉ tuyên bố giới hạn không phận là chưa đủ. Một khi đã lập vùng cấm bay, NATO sẽ phải chịu trách nhiệm tuần tra khu vực bằng máy bay của mình và chuẩn bị khai hỏa vào kẻ thù để đảm bảo an toàn cho người dân bên dưới.

Mark Cancian, cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington, cho biết cả Mỹ và NATO đều không muốn làm điều này. "Tổng thống và NATO đã rất dứt khóa và lý do đó là một nhiệm vụ chiến đấu". 

"Chúng ta sẽ đưa hàng chục, thậm chí hàng trăm máy bay tới Ukraine và bắn vào người Nga, và họ sẽ bắn lại chúng ta", Cancian nói.

Còn ông Michael O'Hanlon, giám đốc nghiên cứu Chính sách đối ngoại tại viện Brookings thì khẳng định luôn: "Đó là chiến tranh!". Ông nói thêm rằng việc áp đặt vùng cấm bay có thể khiến NATO sử dụng vũ lực để đảm bảo an toàn và cho phép các máy bay của họ tuần tra, thực thi nhiệm vụ.

"Người ta cần vô hiệu hóa mạng lưới phòng không của đối thủ, có nghĩa không chỉ máy bay mà còn cả radar, các địa điểm liên lạc, tất cả những người điều khiển chúng. Trừ khi bạn có thể làm được mọi chuyện bằng cách gây nhiễu, bằng không sẽ phải giết người", ông O’Hanlon nói.

Những người biểu tình kêu gọi lập vùng cấm bay tại Ukraine. Ảnh: Internet
Những người biểu tình kêu gọi lập vùng cấm bay tại Ukraine. Ảnh: Internet

Các nước trong NATO đến nay đã gửi vũ khí đến Kiev và áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Tuy nhiên, họ không có bất cứ hành động nào xung đột trực tiếp với Nga. Tuần trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết dù chiến dịch quân sự của Nga là kinh hoàng nhưng liên minh này có nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho tất cả các nước thành viên.

Cách duy nhất để thực hiện vùng cấm bay là đưa máy bay của NATO tới không phận Ukraine, sau đó bắn hạ máy bay Nga. Ông Stoltenberg nói rằng nếu NATO làm vậy thì sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến toàn diện ở châu Âu, kéo theo nhiều nước và gây nhiều thiệt hại về người hơn.

Cuối tuần qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng bất cứ động thái lập vùng cấm bay nào trên vùng trời Ukraine cũng bị xem là "tham gia" cuộc xung đột. "Ngay giây phút đó, chúng tôi sẽ coi họ là những bên tham gia vào xung đột quân sự bất kể họ là ai", ông Putin nói.

Ủng hộ và phản đối

Trong khi hầu hết các nhà lập pháp Mỹ phản đối việc lập vùng cấm bay thì một số ít lại sẵn sàng xem xét, thậm chí là kêu gọi thiết lập nó.

Tháng trước, dân biểu Adam Kinzinger, R-Ill đăng trên Twitter: "Số phận của Ukraine được quyết định tối nay, nhưng đó cũng là số phận của phương Tây. Tuyên bố một vùng cấm bay ở Ukraine theo lời kêu gọi từ chính phủ có chủ quyền của họ".

Thượng nghị sĩ Joe Manchin phát biểu với truyền thông rằng ông không ủng hộ việc này.

Tổng thống Zelensky đã nhiều lần kêu gọi Mỹ và NATO lập vùng cấm bay tại Ukraine. Ảnh: Internet
Tổng thống Zelensky đã nhiều lần kêu gọi Mỹ và NATO lập vùng cấm bay tại Ukraine. Ảnh: Internet

Trong một bài phát biểu đầy cảm xúc hồi tuần trước, Tổng thống Zelensky đã chỉ trích NATO vì từ chối lời cầu xin lập vùng cấm bay của ông. Theo ông, quyết định này đã "bật đèn xanh" để Nga tiếp tục nã pháo vào Ukraine.

Ilan Berman, một đại diện của Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ nói rằng chừng nào Nga còn tiếp tục cản trở nỗ lực sơ tán dân thường khỏi các khu vực xung đột, những lời kêu gọi lập vùng cấm bay sẽ không xảy ra.

Jim Townsend, một đại diện đến từ Trung tâm An ninh Mỹ mới nói rằng Tổng thống Ukraine đang rất tuyệt vọng. Townsend hy vọng Mỹ và NATO có thể giúp ông ấy. "Tuy nhiên, một vùng cấm bay sẽ là một chiến dịch không kích. Ngay sau khi Mỹ và NATO bắt đầu chiến dịch đó, họ sẽ chiến tranh với Nga. 'Tôi tin chắc điều đó sẽ leo thang đến những nơi chúng tôi không mong muốn một cách nhanh chóng", Townsend nói.

Những vùng cấm bay được thiết lập gần đây

Các vùng cấm bay đã được lập ở Iraq để bảo vệ dân thường sau Chiến tranh vùng Vịnh, ở Bosnia và Herzegovina trong cuộc xung đột Balkan và tại Libya khi NATO can thiệp vào cuộc nội chiến của nước này năm 2011.

Mỹ ,Anh và Pháp đã phát động Chiến dịch Provide Comfort vào năm 1991 để thiết lập và thực thi một vùng cấm bay ở miền bắc Iraq, bảo vệ người Kurd khỏi không lực của ông Saddam Hussein. Một vùng cấm bay khác được thành lập để bảo vệ người Hồi giáo dòng Shiite ở phía nam. Các vùng cấm bay khác tiếp tục được lập lên trong cuộc chiến năm 2003 tại Iraq.

NATO thực thi vùng cấm bay tại Bosnia từ tháng 4/1993 đến tháng 12/1995.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã ủy quyền lập một vùng cấm bay cho NATO tại Libya vào năm 2011 để "bảo vệ dân thường trước nguy cơ bị tấn công tại nước này".

(Theo NBC News)

>> Xem thêm: Xung đột Ukraine như chảo lửa: Mỹ, NATO rục rịch triển khai quân đến Baltic

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news