Tin mới

Tại sao Trung Quốc e ngại tiềm năng hạt nhân của Nhật?

Thứ hai, 21/09/2015, 14:26 (GMT+7)

Là một cường quốc về năng lượng hạt nhân nhưng đến nay, Nhật Bản vẫn chưa có ý định sản xuất vũ khí hạt nhân. Dưới đây là những lý giải cho việc này.

Là một cường quốc về năng lượng hạt nhân nhưng đến nay, Nhật Bản vẫn chưa có ý định sản xuất vũ khí hạt nhân. Dưới đây là những lý giải cho việc này.

Thượng viện Nhật Bản đã thông qua dự luật an ninh cho phép nước này tham gia vào hoạt động phòng thủ quân sự ở nước ngoài trong trường hợp an ninh các nước đồng minh bị đe dọa.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Thế chiến II, quân đội Nhật Bản có thể triển khai các hoạt động tại nước ngoài trong một cuộc chiến với vai trò hỗ trợ đồng minh, nói cách khác là tự vệ tập thể.

Nỗ lực để giải thích sự thay đổi này trước người dân trong nước và quốc tế của ông Abe không suôn sẻ.

Ông đã phải đối mặt với sự phản đối trong nước, ẩu đả đã nổ ra khi các nhà lập pháp tranh luận về dự luật.

Trong phạm vi rộng hơn, Trung Quốc, đất nước mà Nhật Bản coi là mối đe dọa an ninh lớn nhất, đã bị ám ảnh về một Nhật Bản ít kiềm chế hơn, có thể mang tham vọng về vũ khí hạt nhân. Bản thân Trung Quốc đã có vũ khí hạt nhân được thử nghiệm lần đầu từ năm 1964.

Các quan chức và chuyên gia Trung Quốc thường gắn việc diễn giải lại tình thế quân sự của Nhật Bản với khả năng hạt nhân của nước này nhằm nâng cao mối quan ngại Nhật có thể trở nên hung hăng hơn trong tương lai.

Trong khi Nhật còn đang tranh luận về dự luật an ninh mới thì những lời bóng gió như vậy là không có cơ sở.

Đưới đây là lý do tại sao Nhật Bản cho đến nay vẫn không chế tạo bom hạt nhân.

Từ những năm 1960, Tokyo đã phát triển 1 trong những chương trình năng lượng hạt nhân dân sự tiên tiến nhất, tồn tại giữa cộng đồng quốc tế.

Nhà máy điện hạt nhân Sendai của Nhật Bản. Ảnh Kyodo

Chương trình đó tạo ra khoảng 1/3 lượng điện hiện nay của nước này. Nhưng về lý thuyết, nó có thể được sử dụng để sản xuất nguyên liệu cho vũ khí hạt nhân.

Một số đánh giá cho rằng quy mô và sự tinh vi của cơ sở hạ tầng hạt nhân sẽ cho phép Nhật Bản chế tạo vũ khí hạt nhân trong vài tháng nhưng chủ trương của chính phủ không ủng hộ việc này.

Trung Quốc đã lôi kéo sự chú ý tới thực tế này, lớn tiếng cảnh báo về dự trữ vật liệu hạt nhân của Nhật Bản.

Nhưng cần lưu ý rằng theo các điều khoản của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân - Nhật đã phê chuẩn vào năm 1976 - các nước sẽ được hưởng công nghệ hạt nhân hòa bình, phục vụ cho các mục đích năng lượng nếu họ từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Để đảm bảo các nhà máy hạt nhân của họ vẫn còn dành cho mục đích hòa bình, họ phải chịu sự giám sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế ở Vienna.

IAEA đã thẩm tra tính chính xác và đầy đủ của các khai báo mà Nhật Bản đưa ra đối với những cơ sở, vật liệu và hoạt động hạt nhân và tiến hành giám sát, thanh tra các cơ sở có liên quan.

IAEA sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng tại Nhật Bản để xua tan mọi lo ngại rằng Tokyo có thể nung nấu ý định sản xuất vũ khí hạt nhân.

Trung Quốc và IAEA không phải là những người duy nhất giám sát chặt chẽ hoạt động hạt nhân của Nhật Bản.

Còn có 2 đối tượng đáng chú ý khác.

Thứ nhất là công chúng Nhật Bản, những người ngày càng cảnh giác với những rủi ro và nguy hiểm liên quan đến công nghệ hạt nhân - dù ứng dụng cho dân sự hay quân sự - sau thảm họa Fukushima 2011.

Thứ hai là đồng minh thân cận nhất của nước này, Mỹ, những người cũng đang lưu ý đến tình trạng hạt nhân của Nhật.

Trong thực tế, vì là liên minh của Mỹ nên trước đó, Nhật Bản còn có ít động cơ để sản xuất vũ khí hạt nhân hơn.

Để đảm bảo an ninh của Nhật Bản, chống lại những mối đe dọa lớn trong khu vực - dù là một đội quân quyết đoán như Trung Quốc hay một nước vũ trang hạt nhân hiếu chiến như Triều Tiên - Washington đã tuyên bố sẽ phản ứng lại bất cứ sự xâm lược vũ trang nghiêm trọng nào chống lại Nhật, sử dụng bất cứ phương tiện nào cần thiết, kể cả vũ khí hạt nhân.

Bằng cách thể hiện quyết tâm bảo vệ Nhật Bản cao độ, Mỹ hy vọng sẽ ngăn bắt cứ kẻ xâm lược tiềm năng nào nhắm tới Nhật Bản. Quân đội Mỹ đã đồn trú tại Okinawa, đây như lời nhắc nhở hữu hình về liên minh Mỹ - Nhật.

Chỉ cần Nhật Bản tin vào sức mạnh của cái gọi là sự đảm bảo "răn đe mở rộng" của Mỹ, họ sẽ không thấy lý do gì để sản xuất vũ khí hạt nhân.

Vì lý do này mà cả Mỹ và Nhật đều đang dốc sức để đảm bảo độ tin cậy và bền vững trong quan hệ đối tác quốc phòng của 2 nước. Đây là một mục tiêu vô cùng quan trọng.

Mặc dù nhiều người nghĩ rằng chính quyền Abe thấy dự luật an ninh mới là một phần trong nỗ lực đóng góp thêm cho quan hệ quân sự 2 chiều thì đây cũng không phải là tín hiệu đèn xanh cho hành động tấn công.

Dự luật này tạo ra một khuôn khổ để Nhật Bản cung cấp ngày càng nhiều mối quan hệ như những gì họ nhận được. Nó sẽ cho phép Nhật hỗ trợ Mỹ nếu cần thiết.

Hơn tất thảy, lịch sử có khả năng đập tan mọi cám dỗ khiến Nhật phải tạo ra một quả bom nguyên tử. Nhật là nước đầu tiên và duy nhất chịu sự tấn công bằng vũ khí hạt nhân.

Hơn 100.000 người Nhật đã chết trong 2 vụ nổ bom vào tháng 8/1945 tại Hiroshima và Nagasaki.

70 năm sau, lịch sử hạt nhân của Nhật vẫn sẽ không bị lãng quên.

Chính vì lịch sử đó mà Nhật Bản trở thành một trong những nước tích cực nhất trong Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân.

Tokyo đã đầu tư nguồn lực đáng kể để ngăn chặn sự lây lan trái phép của công nghệ và vật liệu liên quan đến vũ khí hạt nhân, thúc đẩy các điều kiện cần thiết để giải trừ hạt nhân và nhắc nhở thế giới về tác động khủng khiếp của việc sử dụng một quả bom nguyên tử.

Nhật Bản sẽ có ít động lực để từ bỏ các quy tắc không phổ biến vũ khí hạt nhân trong thời gian ngắn, trung hạn hoặc thậm chí là dài hạn. Và dự luật an ninh mới sẽ không làm thay đổi điều này.

Bảo Linh (theo CNN)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news