Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dường như đã được phía Bắc Kinh đảm bảo nhượng bộ ở Biển Đông.
Điều này lặng lẽ diễn ra hồi tuần trước khi Trung Quốc bất ngờ rút lực lượng đã phong tỏa Scarborough trong 4 năm, cho phép ngư dân Philippines tự do truy cập vùng biển quanh bãi cạn này.
Nếu điều này kéo dài, nó sẽ được xem như chiến thắng trong chiến lược xoay trục sang Trung Quốc của ông Duterte và là một trở ngại địa chính trị đối với Mỹ.
Bằng việc nịnh bợ Trung Quốc và nói khích Mỹ, ông Duterte đã đạt được điều mà Mỹ không thể cho họ: giải pháp hòa bình cho bế tắc tại bãi cạn Scarborough.
Ý nghĩa của điều này không thể được phóng đại.
Trở lại năm 2012, Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough bằng cách triển khai các tàu hải cảnh tới đánh đuổi hải quân Philippines.
Cảnh giác để không bị lôi kéo vào cuộc xung đột với Trung Quốc tại bãi đá không người ở này, Washington đã quyết định không xác định xem theo Hiệp ước Quốc phòng Tương hỗ với Philippines thì họ có phản ứng quân sự hay không.
Bắc Kinh đã cảm thấy được sự thiếu kiên quyết của Washington.
Vì vậy, khi Mỹ làm trung gian cho thỏa thuận giữa Trung Quốc mà Philippines để 2 nước rút tàu khỏi bãi cạn này, Bắc Kinh đã không giữ lời. Trung Quốc tiếp tục phong tỏa bãi cạn này. Lực lượng bảo vệ bờ biển của họ đã rượt duổi và bắn vòi rồng vào những tàu Philippines muốn tiếp cận nơi này.
Trong 4 năm tiếp theo, Washington đã không xây dựng được một chiến lược hiệu quả để xua đuổi các tàu Trung Quốc ra khỏi bãi cạn này.
Chiến lược thất bại của Washington
Mặc dù quân đội Mỹ rất mạnh nhưng việc tận dụng sức mạnh này để răn đe tại bãi cạn Scarborough là điều không đáng tin. Sự tiến thoái lưỡng nan này thể hiện sự bất lực của Washington khi giải quyết những tiền đồn của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Ngược lại, ông Duterte dường như đã sử dụng một chiếc đòn bẩy mà Washington không có: sức quyến rũ của mối quan hệ thân thiết với đồng minh của Mỹ.
Tuyên bố "chia tay" Mỹ, hợp tác với Trung Quốc và một Chính sách ngoại giao "độc lập" chính xác là những gì mà Bắc Kinh muốn nghe.
Việc ông ấy sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán song phương với Bắc Kinh tại Biển Đông cũng khiến Manila phù hợp với nhu cầu cốt lõi của Trung Quốc.
Sau đó, việc chấm dứt phong tỏa Scarborough là món quà mà Trung Quốc dành cho ông Duterte, đền đáp việc ông ấy liên tục tấn công nước Mỹ.
Mặc dù không rõ những nhượng bộ mà Trung Quốc đã thực hiện nhưng rõ ràng là ông Duterte đã nhân nhượng và điều này hiện là tin tốt cho hầu hết người Philippines.
Nước bài ngoại giao xuất sắc của Trung Quốc
Trung Quốc và Philippines đã đạt được nhiều thỏa thuận sau chuyến thăm Bắc Kinh của ông Duterte. Ảnh: CNN |
Bắc Kinh đã có được nước bài ngoại giao xuất sắc.
Họ đã giành được thiện chí từ phía Manila, chen vào quan hệ Mỹ - Philippines đơn giản bằng việc chấm dứt các hoạt động bất hợp pháp của mình.
Hơn thế, trong thực tế họ không mất gì nhiều.
Bắc Kinh không từ bỏ các tuyên bố chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough, cũng không buộc ngư dân của mình rời khỏi khu vực này. Thậm chí, họ còn không rút các tàu hải cảnh khỏi đây, vẫn tiếp tục tuần tra bãi cạn này.
Trong thực tế, bằng cách chia sẻ quyền truy cập bãi cạn, Bắc Kinh đã lén lút biến mình trở nên phù hợp với phán quyết ngày 12/7 của Tòa trọng tài Thường trực đối với Biển Đông, mặc dù họ tiếp tục bác bỏ tính hợp pháp của bản án.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã có một số nhượng bộ.
Để các tàu Philippines truy cập bãi cạn Scarborough, các tàu nạo vét Trung Quốc sẽ rất khó để thực hiện hành vi cải tạo đất của mình.
Làm vậy sẽ gây tổn hại đến mối quan hệ chính trị mà Trung Quốc phải khó khăn lắm mới thiết lập lại được với Philippines.
Theo đó, mục đích biến bãi cạn này thành một đường băng quân sự của Bắc Kinh trong phạm vi tên lửa mà Manila có đã bị trì hoãn.
Khả năng cưỡng ép Philippines của Trung Quốc cũng đã giảm xuống.
Mặc dù Bắc Kinh có thể dễ dàng khôi phục lại sự phong tỏa, điều này chẳng khác gì gây tổn hại cho các mục tiêu chính trị.
Điều này cho thấy Bắc Kinh đang nghiêm túc thỏa hiệp để cải thiện mối quan hệ với Manila và khiến Washington phải trả giá.
Mỹ tổn hại ra sao?
Mỹ phải hứng nhiều tổn thất.
Một thỏa thuận đánh bắt cá giữa Bắc Kinh và Manila không nhất thiết vượt được quan điểm cốt yếu của Washington đó là những tranh chấp đó sẽ được giải quyết một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trừ khi Tổng thống Duterte thỏa hiệp về chủ quyền của Philippines tại Scarborough - một hành vi phạm tội có thể bị buộc tội theo luật Philippines - bất cứ hiệp định nào dỡ bỏ phong tỏa cũng là sự phát triển tích cực.
Trong thực tế, chiến thắng của ông Duterte có thể loại bỏ cơn đau đầu cho Washington.
Trong vài tháng qua, tình hình bãi cạn Scarborough đã một lần nữa được cải thiện như một phép thử ý chí quan trọng đối với Mỹ và Trung Quốc. Washington đã triển khai những vũ khí tinh vi đến Philippins trong một nỗ lực âm thầm nhằm ngăn Bắc Kinh quân sự hóa rạn san hô này.
Sự do dự của Washington khi chống chọi với Bắc Kinh
Mặc dù vậy, Mỹ vẫn liên tục có những tổn thất địa chính trị đáng kể.
Tầm quan trọng của sự thỏa hiệp tại bãi cạn Scarborough có khả năng làm tăng động lực để tái lập quan hệ chính trị giữa Bắc Kinh và Manila.
Trong khi nhiêu người Philippines thích Mỹ hơn Trung Quốc (theo cuộc điều tra của Pew hồi năm ngoái, có tới 92% người Philippines thích Mỹ, trong khi chỉ có 54% thích Trung Quốc), những con số này có thể sẽ thay đổi trước sự nhượng bộ hiện nay của Trung Quốc.
Xu hướng này có thể khiến ông Duterte dễ xoa dịu những mối quan tâm phổ biến đối với chính sách ngoại giao thân Trung Quốc của ông.
Điều này không có nghĩa là ông ấy phải đuổi quân đội Mỹ giống như những gì ông ấy dọa gần đây. Nhưng nếu quan hệ với Trung Quốc tiếp tục êm thấm, quan hệ Mỹ - Philippines có thể lạnh giá hơn, có thể trung hòa giá trị chiến lược của đồng minh chủ chốt tại Đông Nam Á của Mỹ.
Nói rộng hơn, cách mà ông Duterte giải quyết bế tắc tại bãi cạn Scarborough đã cho thấy sự thất bại chính trong chính sách Biển Đông của Mỹ.
Có một mối nguy hiểm là các nước khác sẽ làm theo Philippines: rời xa Mỹ, tạo lập cac thỏa thuận với Trung Quốc để thiết lập trật tự khu vực. Nếu điều này xảy ra, vị trí của Mỹ sẽ thực sự suy yếu.
Bảo Linh (CNN)