Thời điểm trước 1/1/1913, Dịch vụ Bưu chính Mỹ giới hạn các gói hàng ở mức 1,8kg. Theo đó, khi khởi động dịch vụ chuyển phát bưu kiện, họ không quy định rõ ràng mặt hàng nào được chấp nhận, dẫn đến việc các bưu tá đã phải 'chuyển phát nhanh' cả trẻ em.
Theo các nhà sử học của Bảo tàng Bưu chính Quốc gia Mỹ Nancy Pope, bà mẹ đầu tiên gửi con bằng đường bưu điện ở Mỹ là Jesse Beauge ở Glen Este, Ohio.
Theo đó, người phụ nữ này đã chuyển con trai sơ sinh nặng 4,5kg đến nhà bà ngoại cách đó khoảng 1,6 km với mức phí 15 cent.
Cô còn trả thêm phí bảo hiểm nhưng không rõ khoản này là bao nhiêu và nếu như con cô gặp điều gì đó bất trắc thì cô sẽ nhận được 50 USD tiền bảo hiểm.
Ngoài ra, một số trẻ em đã được gửi đi xa hơn. Cô bé 6 tuổi Edna Neff tại Pensacola, Florida sau đó đã được gửi đến nhà bố ở Christiansburg, Virginia, cách hơn 1.100 km.
Những 'bưu kiện' đặc biệt này không được gói bằng giấy hay túi chống sốc. Thay vào đó, những đứa trẻ giống như những người bạn đồng hành hay được bưu tá địu trên người.
'Các em bé không được đóng hộp. Các em được bế, địu hay đi bộ cùng bưu tá', Pope chia sẻ.
Trong số những em bé được gửi đi có cái tên May Pierstorff, 6 tuổi được xem là nổi tiếng nhất.
Cô bé đã được gửi đi trên tàu chở thư vào năm 1914 trong hành trình hơn 110km, tem bưu chính được dán trên áo khoác của cô bé. Tuy nhiên, Pierstorff có người chăm sóc khi nhân viên bưu điện đi cùng là một người họ hàng của em.
Theo nhà sử học Jenny Lynch, bưu phí rẻ hơn vé tàu.
Bảo tàng Bưu chính Quốc gia Mỹ có ảnh của Pierstorff nhưng không lưu giữ giữ vật dụng nào từ chuyến đi đó.
'Chúng tôi rất muốn có chiếc áo khoác dán tem bưu chính cô bé đã mặc', Pope cho biết.
Những chuyến gửi hàng đặc biệt này thường xuyên diễn ra ở những vùng nông thôn. Việc gửi con bằng đường bưu điện bị nhiều người cho rằng là hành động vô trách nhiệm nhưng nhà sử học Jenny Lynch lại cho rằng điều này cho thấy cộng đồng nông thôn vô cùng tin tưởng vào nhân viên bưu chính tại địa phương.
Bởi trên thực tế, đa phần các phụ huynh đều không giao con cho người lạ và ở vùng nông thôn nhiều gia đình có mối quan hệ quen biết với các bưu tá khá rõ.
'Những bưu tá được coi là đáng tin cậy và họ đã chứng minh điều đó. Từng có những câu chuyện về bưu tá ở vùng nông thôn giúp đỡ đẻ và chăm sóc người bệnh. Ngay cả thời nay, họ đôi khi còn cứu mạng người vì họ là những người duy nhất đến nhà những gia đình sống ở vùng xa xôi', Jenny Lynch cho biết.
Vào năm 1994, Bộ trưởng Bưu điện Mỹ đã ra quy định mới, chấm dứt hoạt động 'chuyển phát người' và quy định này được duy trì đến ngày nay.
Tuy nhiên, điều đáng nói là lợi dụng việc vận chuyển người qua đường bưu điện trước đó, tên trộm William DeLucia đã thực hiện phi vụ thành công khi tự nhốt mình để được vận chuyển cùng các bưu kiện bằng đường hàng không.
Sau đó, tên trộm này đã chui vào một chiếc thùng được dán nhãn 'nhạc cụ' mang theo thức ăn và bình oxy.
Vào giữa chuyến bay, người đàn ông này đã ra khỏi thùng và lấy trộm hàng hóa hàng nghìn USD từ các bưu kiện xung quanh rồi lại trốn vào thùng. Anh ta bị bắt tại sân bay Atlanta năm 1980 khi nhân viên vận chuyển dỡ hàng.