Theo thống kê của chính phủ Trung Quốc, 45,2 triệu người bị ảnh hưởng bởi trận lụt tàn phá 27 tỉnh dọc sông Dương Tử, sông Hoài và Hoàng Hà cũng như miền nam Trung Quốc kể từ đầu tháng 6. Nhiều người đã nghi ngờ tính toàn vẹn của đập Tam Hiệp khi nó đối mặt với sự khảo nghiệm lớn nhất trong lịch sử. Trong khi đó, những người khác thì đặc câu hỏi về mục đích kiểm soát lũ có chủ đích của công trình này bởi lũ lụt gần đây xuất hiện ở cả trên và dưới đập.
Ngày 21/7, trang tin tài chính Trung Quốc Caijing Lengyan đã công bố một đoạn video gây tranh cãi, mô phỏng trận lụt kinh hoàng có thể xảy ra nếu đập Tam Hiệp bị vỡ. Video cho thấy con đường mà bức tường nước có thể đi, bao gồm cả ước tính về tốc độ, độ sâu và phạm vi của dòng lũ đến tận Vũ Hán.
>> Xem thêm: Công ty chủ quản 'giải oan' cho đập Tam Hiệp
Video bắt đầu bằng cách ghi rõ chiều cao của đập Tam Hiệp là 181m so với mực nước biển, chiều dài là 2.355m và mực nước hồ chứa bình thường là 175m với công suất 39,3 km3. Kỳ lạ thay, dòng chữ "Một khi đập vỡ" xuất hiện khi video cho thấy cảnh con đập tan rã dưới áp lực cực lớn của nước lũ.
Đoạn video sau đó đưa ra tuyên bố: "Dữ liệu trong video sau là ước tính và không dành để tham khảo thực tế". Video nói rằng khi đập Tam Hiệp bị vỡ, bức tường nước có thể cao gần 100m sẽ nhanh chóng xả ra. Do hai bên bờ sông có những ngọn núi dốc nên lũ không thể phân tán được. Video ước tính tốc độ của trận lũ ở giai đoạn này sẽ là hơn 100km/h.
Khoảnh khắc đập Tam Hiệp bị vỡ trong video mô phỏng. Ảnh chụp màn hình
Vì khoảng cách từ đập Tam Hiệp đến thành phố hạ lưu Nghi Xương chỉ 50km nên video dự đoán trong vòng 30 phút sau khi đập bị vỡ, đập Cát Châu Bá (Gezhouba) sẽ bị nghiền nát và thành phố Nghi Xương bị phá hủy. Một trận lũ cao 20m sẽ tấn công Nghi Xương với tốc độ 70 km/h và chôn vùi thành phố dưới 10m nước.
Trong mô phỏng, sau khi lũ đi qua Nghi Xương, nó tiếp tục di chuyển dọc sông Dương Tử, nhấn chìm các thị trấn dọc đường với tốc độ ít nhất 60 km/h. Chiều cao của lũ ở giai đoạn này khoảng 15-20m. Sau khi tràn ngập Nghi Đô, lũ tràn ra khỏi các thung lũng núi và tràn vào các cánh đồng lộ. Lũ lụt bắt đầu lan rộng khắp khu vực này theo hình quạt, làm tăng đáng kể diện tích bị ảnh hưởng. Khi lũ được phân tán trên các đồng bằng, chiều cao sẽ giảm xuống còn khoảng 8m và tốc độ 25 km/h. Tuy nhiên, lũ lụt ở dòng chính của sông Dương Tử vẫn sẽ duy trì vận tốc 35 km/h.
>> Xem thêm: 'Hồng thủy số 2' đổ bộ, mực nước hồ chứa Tam Hiệp phá vỡ mọi kỷ lục
Sau đó, lũ sẽ đến thành phố Kinh Châu, một phần của dòng lũ sẽ thoát ra khỏi kênh chính và tiến thẳng đến Vũ Hán. Trong vòng 5 giờ sau khi đập Tam Hiệp sập, lũ được dự đoán sẽ tấn công thành phố Nhạc Dương, cách hạ lưu 350km. Mô hình dự đoán Nhạc Dương sẽ bị ngập sâu 5m trong lũ. Tuy nhiên, nó nói rằng hồ Động Đình ở gần đó có thể trở thành một vùng đệm và làm giảm bớt áp lực của lũ nếu như đập không bị sập.
Tiếp theo, lũ được dự đoán đi về phía đông và giảm dần khi đổ vào hồ Hồng, cách đập 700km. Video sau đó dự đoán khoảng 10 giờ sau khi đập vỡ, thành phố Vũ Hán sẽ chịu ngập lụt nặng. Theo ước tính, khi nước lũ đến Vũ Hán, nó sẽ cao 7m. Mặc dù một số khu vực đô thị của thành phố ở vùng đất cao sẽ không bị ảnh hưởng nhưng những khu vực khác sẽ bị chìm sâu trong nước 5m.
Do chiều rộng của sông Dương Tử đoạn qua Vũ Hán khá hẹp nên lũ sẽ rút khỏi thành phố chậm hơn, các ao nước đã hình thành sẽ không dễ dàng lắng xuống.