Tin mới

2,5 triệu người Ukraine phiêu dạt khắp thế giới sau 2 tuần xung đột

Thứ hai, 14/03/2022, 15:23 (GMT+7)

Chỉ trong vòng 2 tuần, hàng triệu người tị nạn Ukraine đã buộc phải rời quê nhà sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại đây.

Lượng người di cư tạo thành "cuộc khủng hoảng người tị nạn tăng nhanh nhất châu Âu kể từ sau Thế chiến II", Ủy viên Cơ quan Tị nạn Liên hợp quốc (UNHCR) Filippo Grandi cho biết. Vào năm 2015, cuộc khủng hoảng di cư do cuộc chiến ở Syria gây ra đã khiến khoảng 1 triệu người xin tị nạn.

Theo ước tính mới nhất  của Liên Hợp Quốc về người tị nạn, trong khi nhiều cư dân ở miền trung và miền đông Ukraine đã chuyển sang miền tây và tránh xa tiền tuyến, hơn 2,5 triệu người dân nước này đã rời bỏ quê hương kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt từ ngày 24/2.

Ông Grandi nói rằng số lượng người chạy trốn nhiều đến "đáng sợ". Trong khi nhiều người tị nạn đến các nước khác và có người thân, bạn bè ở đó thì điều đáng lo là có những người không quan hệ, không nguồn lực và họ dễ bị tổn thương hơn.

Các quốc gia khác trên khắp châu Âu đã báo cáo lượng người tị nạn gia tăng ổn định sau khi giao tranh bước sang tuần thứ 3 nhưng các con số từng quốc gia khác nhau. Hầu hết những người chạy trốn khỏi Ukraine là phụ nữ và trẻ em. Nam giới Ukraine từ 18-60 tuổi bị cấm xuất cảnh sau khi chính phủ nước này thực thi thiết quân luật.

Dòng người tị nạn Ukraine tại biên giới Ba Lan.
Dòng người tị nạn Ukraine tại biên giới Ba Lan.

Dưới đây là cái nhìn toàn cảnh về tình hình người tị nạn Ukraine sau chiến dịch quân sự của Nga.

Theo dữ liệu của UNHCR, tính đến ngày 11/3, Ba Lan là nước tiếp nhận nhiều người tị nạn nhất với hơn 1,6 triệu người Ukraine. Do có chung đường biên giới giáp tây bắc Ukraine nên Ba Lan trở thành điểm dừng chân đầu tiên cho những ai đi tìm nơi ẩn náu ở quốc gia khác.

Các quốc gia giáp biên ở phía tây và nam Ukraine cũng đã tiếp nhận một số lượng lớn người tị nạn. Kể từ khi xung đột nổ ra, hơn 245.000 người Ukraine đã vào Hungary, hơn 195.000 người đã chạy sang Slovakia, theo dữ liệu của UNHCR. Moldova đã tiếp nhận khoảng 278.000 người Ukraine sau khi chiến tranh nổ ra, Romania tiếp nhận hơn 173.000 người.

Lượng người tị nạn lớn khiến người dân địa phương ở các quốc gia láng giềng phải cứu trợ nếu có thể. Để giúp những người tị nạn, một số cộng đồng người Ba Lan đang cung cấp nhu cầu thiết yếu cơ bản cho họ.

Constanta Dohotaru, một nhà hoạt động  Moldova bày tỏ quan ngại những người Ukraine rời bỏ quê hương hàng loạt có thể trở thành mục tiêu cho những kẻ buôn người. "Tại biên giới, một số phụ nữ thực sự sợ vào ô tô, đó là lý do tại sao các tình nguyện viên của chúng tôi hiện đang mặc áo vest" để giúp nhà chức trách xác định danh tính và cung cấp dịch vụ vận chuyển an toàn.

Xin tị nạn khắp Châu Âu

Theo Bộ Nội vụ Đức, gần 123.000 người tị nạn đã đến vào ngày 12/3. Tuy nhiên, do không có kiểm tra biên giới giữa Ba Lan và Đức nên số lượng người tị nạn thực tế có thể cao hơn đáng kể.

Thị trưởng Berlin Franziska Giffey cho biết thành phố đã trở thành một trung tâm chính cho những người tị nạn từ Ukraine vào tối 9/3. Trong ba ngày trước đó, hơn 13.000 người tị nạn đã đến Berlin bằng tàu hỏa hoặc xe buýt, ông Giffey cho biết.

Bộ trưởng Bộ Nhập tịch Pháp Marlene Schiappa cho biết hôm 10/3 rằng những người tị nạn Ukraine cũng đã đến nước này. Trong số 7.251 người, "chủ yếu là phụ nữ và trẻ em" đã nhập cảnh vào đất nước kể từ khi cuộc xâm lược, 6.967 người là công dân Ukraine, Bộ Nội vụ Pháp nói với CNN.

"Chúng tôi có thể thấy mọi thứ đang gia tăng khi xung đột tiến triển và hôm nay chúng tôi có 25.000 nơi trú ẩn cho những người này", Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho biết. Trong 2 ngày trước đó, Pháp cũng đã đón ​​3.000 người tị nạn.

Tại Vương quốc Anh, Bộ trưởng Nội vụ  Priti Patel nói với các nhà lập pháp tại Hạ viện hôm 10/3 rằng kể từ tuần tới, những người Ukraine có hộ chiếu sẽ không cần phải đến trung tâm xử lý thị thực trước khi đến Anh. Tính đến ngày 9/3, 760 thị thực đã được Anh cung cấp. Trước đó, nhà chức trách Anh bị chỉ trích sau khi để người tị nạn phải đi đến Paris hoặc Brussels để làm thủ tục hành chính.

Trên khắp châu Âu, các quốc gia bao gồm Áo, Croatia, Estonia, Hy Lạp, Ireland, Italy, Lithuania, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Thụy Điển từng báo cáo có hàng nghìn người Ukraine đến tị nạn.

Người Ukraine đổ xô tới các quốc gia châu Âu khác.
Người Ukraine đổ xô tới các quốc gia châu Âu khác.

Mỹ, Canada cam kết hỗ trợ

Bên kia Đại Tây Dương, Canada và Mỹ đều có sự hỗ trợ cho vấn đề tị nạn. Tuần trước, Canada thông báo sẽ xử lý nhanh các đơn đăng ký thường trú tạm thời, thường trú, đơn đoàn tụ gia đình của người Ukraine.

"Canada sẵn sàng chào đón những người Ukraine chạy trốn khỏi cuộc chiến của Vladimir Putin và không có giới hạn về số lượng đơn đăng ký mà chúng tôi sẵn sàng chấp nhận", Sean Fraser, Bộ trưởng Nhập cư Canada cho biết.

Canada là nơi có cộng đồng người gốc Ukraine lớn nhất thế giới sau Nga, với hơn một triệu người Canada gốc Ukraine.

Đan Mạch mở rộng vòng tay với người Ukraine, trong khi cố gắng đưa người tị nạn Syria về nước.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã cam kết hỗ trợ giải quyết dòng người di cư ồ ạt đến từ Ukraine và cho biết Mỹ sẵn sàng tiếp nhận thêm nhiều người di cư.

"Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng để làm những gì chúng tôi có thể và những gì chúng tôi phải làm", Harris nói trong chuyến thăm đến thủ đô Warsaw của Ba Lan hôm 10/3. Tuy nhiên, các Chính sách biên giới của Mỹ khiến hàng nghìn người di cư và tị nạn bị mắc kẹt, kể cả người Ukraine. Trong gần 2 năm qua, biên giới phía nam của Mỹ phần lớn bị đóng cửa vì sắc lệnh y tế ban ra dưới thời chính quyền Trump để ngăn dịch Covid-19.

(Theo CNN)

>> Xem thêm: Zelensky thừa nhận Ukraine sẽ phải trả giá cho sự giúp đỡ từ phương Tây

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news