Cuối ngày 25/4, quân đội Nga thừa nhận nỗ lực nhằm thiết lập một hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường mắc kẹt trong nhà máy thép Azovstal tại Mariupol đã thất bại. Moscow và Kiev đổ lỗi cho nhau vì nỗ lực sơ tán không mang lại kết quả.
"Chính quyền Kiev hôm nay đã một lần nữa làm gián đoạn hoạt động nhân đạo này một cách thô bạo. Kể từ ngày 25/4/2022, lúc 8h tối (giờ MSK), không ai sử dụng hành lang nhân đạo đã được đề xuất", Thượng tướng Mikhail Mizintsev, người đứng đầu Trung tâm Quản lý Quốc phòng Quốc gia Nga tuyên bố.
Quan chức này đã đổ lỗi trực tiếp cho chính quyền Kiev về nỗ lực sơ tán thất bại này. Mặc dù liên tục than vãn về số phận dân thường đang mắc kẹt cùng các binh sĩ Ukraine trong nhà máy nhưng Kiev không thực hiện bất cứ "bước đi thiết thực nào" để tạo điều kiện cho việc sơ tán, ông Mizintsev chỉ ra.
"Hành vi hoàn toàn phi logic và thiếu nhất quán của chính quyền Kiev một lần nữa khẳng định sự thờ ơ trắng trợn của họ với số phận từng người dân, đối với công dân nước họ", ông nhấn mạnh.
Trước đó, ngay sau khi hành lang được mở lúc 2h chiều, Phó thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk đã đổ lỗi cho Moscow về thất bại sơ tán. Ban đầu, bà nói với truyền thông Ukraine rằng Kiev đã sẵn sàng làm "mọi thứ" để đảm bảo việc sơ tán diễn ra, nhưng ngay sau đó bà lại tuyên bố hành lang không được thiết lập đúng cách và không hoạt động.
"Cần hiểu rằng hành lang nhân đạo được mở ra dưới sự đồng thuận của đôi bên. Hành lang được tuyên bố đơn phương sẽ không được cung cấp an ninh. Do đó, trên thực tế đó không phải hành lang nhân đạo. Tôi tuyên bố chính thức và công khai: thật không may, không có thỏa thuận nào về hành lang nhân đạo từ Azovstal trong ngày hôm nay".
Cuộc chiến giành Mariupol diễn ra ác liệt trong gần 2 tháng khi lực lượng Nga và Donetsk bao vây nơi này hoàn toàn. Nhà máy thép Azovstal vẫn là thành trí cuối cùng nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine. Các chiến binh của trung đoàn Azov và các đơn vị khác ẩn náu tại cơ sở này. Trước đó, Nga đã đề nghị các chiến binh Ukraine hạ vũ khí và đầu hàng nhưng họ từ chối. Thay vào đó, họ yêu cầu được sơ tán đến "quốc gia thứ ba" không xác định.
Nga đã tấn công Ukraine vào cuối tháng hai sau khi Kiev không tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận Minsk ký năm 2014. Cuối cùng, Moscow đã công nhận 2 nước cộng hòa Donetsk và Lugansk ở vùng Donbass. Thỏa thuận Minsk do Đức và Pháp làm trung gian, được thiết kế để trao cho khu vực Donbass tình trạng đặc biệt tại Ukraine.
Kể từ đó, điện Kremlin yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố trung lập, không bao giờ gia nhập NATO. Kiev thì khẳng định cuộc tấn công của Nga là vô cớ và phủ nhận không lên kế hoạch chiếm lại 2 nước cộng hòa bằng vũ lực.
(Theo RT)
>> Xem thêm: Tổng thống Ukraine không sợ gặp trực tiếp Putin, 'muốn tháo chuông thì tìm người buộc'