Biden muốn nhận số người tị nạn gấp 8 lần so với Trump
Ngày 4/2, Tổng thống Joe Biden cho biết ông sẽ chấp thuận một sắc lệnh tăng cường năng lực, điều kiện tiếp nhận người tị nạn của Mỹ. Như vậy, ông Biden sẽ thực hiện cam kết khôi phục vai trò lịch sử của Mỹ đó là quốc gia chào đón người tị nạn từ khắp thế giới. Thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã cắt giảm tiếp nhận người tị nạn. Bắt đầu từ ngày 1/10/2021, mục tiêu của ông Biden là tiếp nhận 125.000 người tị nạn cho tài khóa tiếp theo, tăng hơn 8 lần so với mức 15.000 của ông Trump.
Phó thủ tướng điện đàm với tân Ngoại trưởng Mỹ
Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong cuộc điện đàm “Ngoại trưởng Blinken và Phó thủ tướng Phạm Bình Minh tái khẳng định sự tốt đẹp của Quan hệ Đối tác Toàn diện Mỹ - Việt Nam, và thảo luận cam kết chung đối với hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở, cũng như với việc bảo vệ, duy trì khu vực Biển Đông dựa trên luật lệ”. Hai ông cũng ca ngợi những thành tựu đáng kể trong quan hệ song phương suốt 25 năm qua và thể hiện nguyện vọng tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong ứng phó dịch Covid-19, thảo luận về vấn đề Myanmar.
Mỹ đối đầu Trung Quốc trong nhiều mặt trận
Phát biểu tại Bộ Ngoại giao ngày hôm qua, Tổng thống Joe Biden tuyên bố chính quyền của ông sẽ đối đầu với Trung Quốc ở nhiều mặt trận như sự lạm dụng kinh tế, các hành động gây hấn, cưỡng ép của họ, vấn đề nhân quyền, sở hữu trí tuệ và lãnh đạo toàn cầu… "Chúng tôi sẽ cạnh tranh dựa vào vị thế mạnh mẽ, bằng cách xây dựng đất nước tốt hơn, hợp tác với các đồng minh và đối tác, tiếp tục vai trò của chúng tôi trong các tổ chức quốc tế và lấy lại uy tín và sức mạnh lẽ phải của chúng tôi, phần lớn trong số đó đã bị mất", ông nói.
Biden kêu gọi quân đội Myanmar từ bỏ quyền lực
Cũng trong bài phát biểu ngày hôm qua, Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu quân đội Myanmar trao trả quyền lực và thả Cố vấn Aung San Suu Kyi. “"Trong một nền dân chủ, các lực lượng không nên tìm cách bác bỏ ý nguyện của người dân hay tìm cách xóa bỏ kết quả của một cuộc bầu cử đáng tin cậy. Quân đội Myanmar nên từ bỏ quyền lực họ đã chiếm và thả toàn bộ quan chức, nhà hoạt động bị bắt, dỡ bỏ hạn chế về thông tin liên lạc và tránh dùng bạo lực".
Trump từ chối ra làm chứng tại phiên tòa luận tội
Cố vấn của cựu Tổng thống Trump cho biết ông sẽ không làm chứng tại phiên toàn luận tội bởi ông cho phiên tòa này là “vi hiến”. Trước đó, nghị sĩ Dân chủ Jamie Raskin đã gửi thư mời Trump đến tuyên thệ làm chứng trong phiên xét xử. Các luật sư của Trump cho rằng lá thư xác nhận phe Dân chủ không có bằng chứng cáo buộc nhằm vào Trump.