Gạo nếp là nguyên liệu không thể thiếu trong các dịp lễ Tết. Từ bánh chưng, bánh rán... tất cả đều được chế biến từ nguyên liệu "quốc dân" này. Tuy nhiên, để chọn được gạo nếp vừa dẻo vừa thơm thì không phải ai cũng biết. Bài viết sau đây sẽ bật mí cho bạn:
Cách chọn gạo nếp gói bánh
Gạo nếp ngon phải to, tròn, màu trắng đục, hạt tròn đều không bị vỡ, khi thử bằng miệng có vị ngọt tự nhiên, khi ngửi không có mùi lạ. Đặc biệt bạn nên lựa chọn các nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, mới sản xuất. Một mẹo thử gạo nếp được hội nội trợ hay dùng chính là đưa tay vào giữa bao, chậu, xô… đựng nếp rồi rút ra. Mùi hương sẽ đọng trên tay và giúp bạn kiểm tra tình trạng hạt.
Các loại gạo nếp dùng để gói bánh
Nếp cái hoa vàng: Đây là loại nếp thông dụng nhất dùng để gói bánh chưng. Ưu điểm của nếp cái hoa vàng là giá thành rẻ, dễ mua, mùi thơm ngào ngạt, vị ngọt dịu, không quá béo.
Nếp Điện Biên: Nếp Điện Biên được yêu thích vì hạt chắc tròn, khi tiếp xúc nhiệt sẽ bung đều. Độ dẻo vừa phải, dậy mùi. Đặc biệt rất dễ mua tại các cửa hàng gạo.
Nếp sáp: Đây là đặc sản của vùng nam bộ và Đồng Tháp Mười. Đặc tính loại gạo nếp sáp là có hạt dài, to mẩy, màu trắng, đều màu, mùi thơm nhẹ, khi nấu xôi, làm bánh sẽ có độ dẻo, dính, thơm, ngon và vị ngọt hậu.
Lưu ý khi gói bánh
Bạn nên ngâm nếp trong nước ít nhất 3 giờ, như vậy bánh sẽ nhanh chín hơn. Nếp phải được đãi sạch trước khi cho vào gói để loại bỏ hết sạn, bụi bẩn. Đặc biệt khi trộn nếp bạn có thể cho một chút muối để bánh đậm đà hơn.
Một số món bánh làm từ gạo nếp nên ăn vào dịp tết
Bánh rán: Tùy vào sở thích nhân chay hoặc nhân mặn, bánh ràng thể hiện cho sự tròn đầy, viên mãn.
Bánh dày: Một trong những loại bánh truyền thống của Việt Nam thể hiện cho sự bền bỉ, hy vọng một năm mới thịnh vượng, an khang
Bánh trôi: Khi cúng gia tiên bày tỏ lòng thành kính hướng về nguồn cội. Sự ấm nóng của món bánh này mang lại giúp thanh lọc, báo hiệu một năm mới an yên.
Ảnh minh họa: internet