Cuộc tranh luận tối 22/10 (sáng 23/10 theo giờ Hà Nội) là một trong những co hội cuối cùng để Tổng thống Donald Trump và đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden thu hút lượng lớn khán giả trên toàn quốc. Cả 2 người đàn ông dường như nhận thức được ý nghĩa của lần tranh luận này.
Trump đã hành xử giống tổng thống hơn bao giờ hết, giữ bình tĩnh và sử dụng những lập luận quen thuộc để tấn công Biden. Còn Biden, người thường bị Trump chế nhạo là "Joe buồn ngủ", lại rất tỉnh táo, say sưa tranh luận chống lại những Chính sách của tổng thống đương nhiệm trong lĩnh vực nhập cư và xử lý đại dịch Covid-19.
Vòng tranh luận cuối này thay đổi nhịp điệu khá nhiều so với sự hỗn luận trong vòng tranh luận đầu tiên. "Chắc chắn là nó tốt hơn lần trước. Trum tập trung hơn vào thông điệp và không có xích mích với người điều hành", J. Miles Coleman, nhà phân tích bầu cử đến từ Trung tâm Chính trị ĐH Virginia nói với tờ DW. Điều này tạo ra sự khác biệt lớn so với lần trước.
Trump và Biden đối đầu trong cuộc tranh luận cuối cùng ở Nashville. Ảnh: Getty
Trong cuộc tranh luận đầu tiên vào ngày 29/9, Trump liên tục ngắt lời Biden. Theo một cuộc thống kê của Washington Post, ông Trump đã ngắt lời người điều hành hoặc Biden 71 lần trong cuộc tranh luận đầu, Biden làm vậy 22 lần.
Do đó, mỗi ứng viên đều bị tắt micro trong 2 phút đầu khi đối thủ trả lời. Frank Fahrenkopf, chủ tịch Ủy ban trnah luận Tổng thống nói với AP rằng cả chiến dịch của Trump và Biden đều có một thành viên ở hậu trường để giám sát người điều khiển nút tắt mic.
Trump đã nói trước rằng ông không hài lòng về những thay đổi quy tắc. "Tổng thống Trump cam kết tranh luận với Joe Biden bất kể việc thay đổi quy tắc vào phút chót của ủy ban nhằm mang lại lợi thế cho ứng viên họ ưu tiên", chiến dịch tái tranh cử của Trump viết.
Ngược lại, trong cuộc tranh luận, Trump dường như không có vấn đề gì với điều hành Kristen Welker. "Cho đến nay, tôi rất tôn trọng cách cô giải quyết vấn đề này", Tổng thống nói với Welker trong cuộc tranh luận khi bà để ông đáp trả một lập luận mà Biden đưa ra. Trước đêm 22/10, ông đã nhiều lần công kích nữ phóng viên của NBC News.
Ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden. Ảnh: Getty
Ông Biden bắt đầu cuộc tranh luận một cách mạnh mẽ. Chủ đề thảo luận đầu tiên là virus corona và cựu phó tổng thống đã chỉ trích gay gắt cách mà Trump và đảng Cộng hòa ứng phó với đại dịch sơ sài. Cho đến nay đã có hơn 220.000 người Mỹ tử vong vì Covid-19.
"Bất cứ ai chịu trách nhiệm cho số người tử vong lớn như vậy không nên là tổng thống Hoa Kỳ", Biden nói. Phát biểu ấn tượng này của ông được đưa ra khi Trump nói người Mỹ "đang học cách sống chung với" virus corona khi họ không còn lựa chọn nào khác. "Ông ta nói 'Chúng ta đang học cách sống chung với nó'. Mọi người đang học cách chết chung với nó", Biden phản bác. Nhà phân tích bầu cử Coleman nói: "Đó là phút xuất thần của Biden".
Ứng viên đảng Dân chủ lại nổi lên khi cuộc tranh luận chuyển sang vấn đề nhập cư. Ông tấn công tổng thống về chính sách tách trẻ em nhập cư khỏi bố mẹ tại biên giới Mexico. Và giờ thì Mỹ phải giải quyết việc hơn 500 trẻ em vẫn đang chờ để được đoàn tụ với gia đình. Coleman nhận định ông Biden đang dùng tình cảm để đánh vào tâm lý cử tri.
Chính sách chia cắt gia đình mà chính quyền Trump thực hiện bị chỉ trích là vô lương tâm. Thế nhưng chủ đề này nhanh chóng đảo chiều dù Biden là người khởi đầu mạnh mẽ. Trump tránh nói đến vấn đề tách trẻ em khỏi cha mẹ. Ông chỉ ra rằng một số cơ sở giam giữ được xây dựng dưới thời Obama, khi Biden là phó tổng thống. "Đó là ông ta. Họ đã xây dựng những cái lồng". Coleman nói rằng sẽ tốt hơn nếu ông Biden có phản hồi.
Màn trình diễn của Trump vào đêm 22/10 cho thấy sự kiềm chế nhiều hơn so với cuộc tranh luận trước đó với Biden. Ảnh: Getty
Cuối cùng, Tổng thống bước ra trông có phần mạnh mẽ hơn so với đối thủ của mình. "Trump đã thắng" về mặt hiệu suất tranh luận. Tuy nhiên, điều này có thay đổi suy nghĩ của các cử tri hay không vẫn còn chưa thể kết luận. Với rất nhiều cử tri, cuộc tranh luận này đã đến quá muộn để khiến họ lung lay. Hơn 42 triệu người Mỹ đã đi bỏ phiếu, con số kỷ lục đối với việc bỏ phiếu sớm.