Theo những gì được lịch sử ghi lại, vào tháng 11/1033, Tống Nhân Tông - hoàng đế thứ tư của nhà Tống đã ra lệnh phế bỏ hoàng hậu và bất chấp sự can ngăn của các quần thần. Điều gì khiến cho 'sự phẫn nộ của thiên tử' lại đáng sợ như vậy?
Lần theo sử sách, Hoàng đế Tống Nhân Tông có tên thật là Triệu Trinh - con trai độc nhất còn sống đến tuổi trưởng thành của Tống Chân Tông, hoàng đế thứ ba của nhà Tống.
Sau khi cha qua đời vào năm 1023, Triệu Trinh lên ngôi và trong hơn 10 năm đầu, thực quyền vẫn nắm trong tay mẹ nuôi là Chương Hiến Thái hậu Lưu Nga, Tống Nhân Tông lúc này tuy đã trưởng thành nhưng vẫn không tự mình đưa ra được các quyết sách, khiến cho mối quan hệ giữa hai mẹ con ngày càng căng thẳng. Một trong số những vấn đề mâu thuẫn là chuyện chọn hoàng hậu.
Cuộc hôn nhân sắp đặt
Vào năm 1025, triều đình tổ chức cuộc thi tuyển chọn mỹ nữ cho hoàng đế, lúc này Tống Nhân Tông đang phải lòng nhan sắc của Trương thị - cháu gái của Kỵ Vệ thượng tướng quân Trương Mỹ.
Tuy nhiên, Lưu Thái hậu lại chọn Quách thị, ca cha là Quách Doãn Cung sau này được thăng làm Tiết độ sứ Trung Vũ quân kiêm Trung thư lệnh và Thượng thư lệnh.
Chuyện lạ bốn phương: Quách thị vốn nổi tiếng là tiểu thư đài các, vốn xuất thân trong danh gia vọng tộc và là người có học thức, được Thái hậu vô cùng ưng ý. Khi đó, Lưu Thái hậu có nói 'Trọng đức bất trọng sắc' và chính điều này khiến cho Tống Nhân Tông vô cùng bất mãn nhưng vẫn phải ngậm ngùi chấp nhận.
Quách Hoàng hậu ỷ thế được Thái hậu yêu mến và nâng đỡ nên luôn tỏ ra cao ngạo với các phi tần khác trong cung.
Sau khi thành hôn, Tống Nhân Tông tỏ ra thiên vị và sủng ái phi tần là Trương thị khiến cho Quách Hoàng hậu đố kị không ngừng.
Nghe lời Thái hậu, Quách Hoàng hậu đã sai người giám sát hành tung của Tống Nhân Tông, không cho ông gần gũi với các phi tần khác. Lúc này Hoàng đế vô cùng tức giận nhưng biết tính nóng nảy của hoàng hậu nên ông đành cho qua.
Cú tát thẳng vào mặt hoàng đế 'có một không hai' trong lịch sử
Vào tháng 3/1033, khi Lưu Thái hậu qua đời, Quách Hoàng hậu đã bất ngờ mất đi chỗ dựa quan trọng nhất, lúc này Tống Nhân Tông được thể càng không đoái hoài gì đến Hoàng hậu càng khiến cho Quách Hoàng hậu vô cùng tức tối.
Lúc này hậu cung có 2 phi tần là Thượng mỹ nhân và Dương mỹ nhân vô cùng xinh đẹp và được sủng ái. Dù mất đi chỗ dựa vững chắc nhưng Quách Hoàng hậu vẫn không sửa đổi tính nết mà nhiều lần đến tận nơi kiếm cớ để gây sự ầm ĩ trong cung.
Theo Tống sử, một ngày nọ, Tống Nhân Tông sau khi sủng hạnh Thượng thị, hai người đã cùng nhau đi dạo. Thị nhân đó nói xấu về những hành vi của Quách Hoàng hậu, đúng lúc này hoàng hậu vừa đi tới nên giữa hai người phụ nữ đã xảy ra tranh cãi.
Vốn là người có tính tình vô cùng nóng nảy, không chịu nhún nhường, Quách Hoàng hậu đã vung tay nhằm vào mặt Thượng thị mà tát. Lúc này vua Tống Nhân Tông thấy vậy liền ôm lấy phi tần và hứng trọn cái tát.
Sau chuyện này, Hoàng đế đã nổi cơn thịnh nộ và ra lệnh cho tể tướng Lã Di Giản soạn chiếu thư để phế bỏ hoàng hậu.
Bất chấp sự phản đối và can ngăn của các quần thần và rằng chuyện hoàng đế phế bỏ hoàng hậu là chưa từng có trong triều đại nhà Tống nhưng vua Nhân Tông vẫn không thay đổi quyết định.
Một cận thần trong triều lúc này đã lên tiếng cho rằng 'Hoàng hậu không có lỗi, không thể phế bỏ được'. Tuy nhiên, người này và các phe cánh của Quách Hoàng hậu đều bị bãi quan.
Trong cơn tức giận, Tống Nhân Tông tuyên bố Quách Hoàng hậu muốn xuất gia để tu hành và đem đến giam lỏng ở Trường Lạc cung.
Say này, Tống Nhân Tông cảm thấy hối hận và nhớ Quách thị nên thường sai người tới thăm hỏi. Thậm chí đã từng có thời điểm Nhân Tông muốn Quách thị hồi cung, nhưng bà lại đòi được khôi phục tước vị mới chấp nhận. Tuy nhiên, Tống Nhân Tông khi đó đã phong hoàng hậu mới nên không thể đồng ý.
Năm 1035 sau 2 năm bị phế bỏ, Quách thị bị bệnh nặng và qua đời ở tuổi 24. Sau đó, Tống Nhân Tông đã truy tặng cho bà ngôi vị hoàng hậu như trước và được an táng riêng ở một lăng mộ nguy nga.
Hoàng đế Tống Nhân Tông có cố ý để 'bị tát'?
Theo Sohu, câu chuyện Quách Hoàng hậu vung tay tát phi tần nhưng không ngờ trúng vào Hoàng đế được xem là chuyện hiếm thấy trong lịch sử Trung Hoa.
Nhiều người đã không khỏi đặt ra nghi vấn rằng phải chăng Tống Nhân Tông đã chủ động để bị 'tát trúng' và từ đó khiến cho 'giọt nước tràn lý' với mục đích cuối cùng là phế bỏ ngôi vị hoàng hậu?
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng điều này không đúng vì dù đây là cuộc hôn nhân sắp đặt nhưng sau khi giam lỏng Quách thị, ông cũng đã nhớ nhung và có lúc muốn triệu bà vào cung.
Những gì được sử sách ghi lại cho thấy Tống Nhân Tông không phải là hoàng đế tàn ác mà ngược lại rất tốt bụng và có tính tình dễ chịu.
Câu chuyện vợ chồng bất hoà không phải là căn nguyên khiến cho hoàng đế muốn phế hậu bởi theo Sohu, mối quan hệ giữa Tống Nhân Tông và hoàng hậu thứ hai là Tào hoàng hậu cũng không hề êm đẹp nhưng hoàng đế lại không ra lệnh phế hậu.
Việc Tống Nhân Tông hứng trọn cái tát vào mặt cũng giống như cái cớ thích hợp để đưa ra những thay đổi mang tính bước ngoặt trong triều đình.
Sau khi Lưu Thái hậu qua đời, bà để di chiếu lại yêu cầu Tống Nhân Tông tôn Dương Thái phi làm hoàng thái hậu, việc quốc gia đại sự cùng Hoàng thái hậu xử lý.
Như vậy, ngay cả khi đã qua đời, bà vẫn để lại 'hòn đá tảng' để ngáng đường hoàng đế. Việc phế bỏ Quách Hoàng hậu - là người thuộc phe của Lưu Thái hậu, Tống Nhân Tông cũng đã loại bỏ các phe cánh trung thành với thái hậu trước đây và thâu tóm quyền lực về tay mình.
Sau này, Tống Nhân Tông sống thêm gần 30 năm nữa và qua đời năm 1063, thọ 52 tuổi. Ông có 3 hoàng tử nhưng đều chết sớm và chỉ có 4 công chúa sống đến tuổi trưởng thành nên buộc phải truyền ngôi cho Tống Anh Tông Triệu Thự - người cháu gọi ông bằng chú.